Đưa Hà Nội sớm trở thành một trong những Thủ đô có quy mô tầm cỡ thế giới

18:48 | 01/12/2022 Print
(TBTCO) - Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá tổng quát công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta với nhiều kết quả rất quan trọng, bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đưa Hà Nội sớm trở thành một trong những Thủ đô có quy mô tầm cỡ thế giới
Các khu đô thị mới hiện đại dần được hình thành, góp phần giảm tải dân số khu vực nội đô, tạo diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội.

Nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Thủ đô

Tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai các công tác về quy hoạch.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành, phê duyệt một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch các cấp độ, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phủ kín 100%, quy hoạch chi tiết, đến quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, các đồ án quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành. Các quy hoạch được phê duyệt, kế hoạch được ban hành đã cơ bản đầy đủ để triển khai quản lý đô thị, đất đai, đầu tư, xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành các chương trình công tác về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị gồm: Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021; Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17/3/2021; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 02/3/2022 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng.

Sau gần 15 năm hợp nhất, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển đô thị đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Thủ đô. Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 02ha trở lên, trong đó, có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; 168 dự án đang triển khai đầu tư và đầu tư chưa hoàn chỉnh. Một số khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết nhu cầu về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường, cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện và hiện đại hóa, vấn đề nhà ở cho nhân dân được cải thiện. Các khu đô thị mới hiện đại dần được hình thành, góp phần giảm tải dân số khu vực nội đô, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Tuy nhiên, cũng theo ông Dương Đức Tuấn, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố cũng nhận thức rõ công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị thời gian qua vẫn còn những tồn tại, khó khăn và thách thức. Đó là chưa được định hình rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nướcốc. Tốc độ đô thị hoá chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác quản lý, kiểm soát dân số và giãn dãn dân nội đô còn nhiều khó khăn…

Nguyên nhân do hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức còn bất cập. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Thể chế liên kết vùng còn nhiều hạn chế, tính gắn kết chưa cao, liên kết kinh tế vùng giữa Thủ đô với các địa phương chưa thật hiệu quả...

“Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện còn thiếu chặt chẽ, chưa thực sự sâu sát, quyết liệt. Công tác quản lý sau quy hoạch, đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được tập trung đúng mức” - ông Dương Đức Tuấn cho hay.

Xây dựng mô hình phát triển thành phố thuộc Thủ đô

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, với Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ 15). Trong đó, xác định mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, với vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt, là "Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước"; xây dựng Thủ đô trở thành thành phố thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả, liên kết vùng để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Thực hiện NQ 15, Đảng bộ thành phố đã có Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 và sẽ tiếp tục xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên cơ sở Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ đảm bảo thống nhất toàn diện.

Qua nghiên cứu Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ; UBND TP. Hà Nội nhận thấy 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó gồm 33 nhiệm vụ cụ thể đã thể hiện rất đầy đủ những nội dung, giải pháp cần triển khai, có tính đổi mới, gắn kết với thực tiễn, rất quan trọng và cần thiết đối với TP. Hà Nội.

Trên cơ sở đó, thành phố chỉ đạo nghiên cứu, tập trung triển khai một số nội dung cơ bản và một số kiến nghị đến Chính phủ như phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành để khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ và các chủ trương, nghị quyết, định hướng có liên quan; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, triển khai các công tác, chương trình trọng điểm có kế hoạch; nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, đất đai, nhà ở,... để tạo hành lang pháp lý bền vững, thúc đẩy phát triển. Đồng thời, thành phố có kiến nghị nghiên cứu xây dựng điều chỉnh Luật Thủ đô, Luật Điều chỉnh về quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Điều chỉnh về quản lý phát triển đô thị, tái thiết đô thị, Luật Đất đai, Luật Nhà ở,...

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo thống nhất đồng bộ với Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Đảng bộ thành phố thực hiện NQ 15.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Chương trình phát triển đô thị thành phố, Chương trình cải tạo, tái thiết đô thị, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp, liên kết đồng bộ, đồng thời với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan...làm cơ sở pháp lý, công cụ để đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng phát triển.

Thành phố cũng sẽ triển khai một số nhiệm vụ đầu tư xây dựng phát triển theo định hướng quy hoạch; hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển thành phố thuộc Thủ đô đảm bảo kết nối với các tỉnh, thành phố phía xung quanh để hình thành động lực phát triển kinh tế vùng; tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một các tổng thể, hiện đại; phát triển hệ thống giao thông huyết mạch có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng. Trong đó, tuyến đường àvnh đai 4 - vùng Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm.

Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị đến năm 2030, định hướng đến 2045, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị bên cạnh những nguồn lực truyền thống, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới.

Quốc Trí - Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam