CPTPP: Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam

22:19 | 01/12/2022 Print
(TBTCO) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 được kỳ vọng là bước ngoặt, tạo ra xung lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên. Tuy nhiên, việc tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt còn hạn chế, cần có giải pháp tăng tốc.

Đã bước đầu tận dụng tốt các ưu đãi

Tại cuộc toạ đàm “Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP” diễn ra ngày 1/12, tại Hà Nội, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), đánh giá việc thực thi CPTPP bước đầu đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam; là động lực giúp hàng hóa Việt rộng đường sang các thị trường rất mới mẻ và tiềm năng.

Đặc biệt, tham gia CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức cắt giảm thuế quan rất ưu đãi, nhất là các mặt hàng có thế mạnh.

CPTPP: Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam
Các diễn giả tại tọa đàm. Ảnh: HA
Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam sang thị các trường trong CTPPP đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 38,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam ghi nhận xuất siêu sau 10 tháng/2022 đạt 4,4 tỷ USD.

Cũng theo ông Ngô Chung Khanh, thời gian qua hiểu biết của doanh nghiệp về các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và Hiệp định CPTPP nói riêng đã cải thiện đáng kể. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp hiểu về CPTPP chỉ ở mức 2% vào năm 2020 thì nay tăng lên 9%.

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường thuộc khối CPTPP chưa từng có FTA trước đó, như Canada, Mexico, Peru, ghi nhận tăng trưởng rất mạnh, xuất siêu lớn. Cụ thể, thặng dư thương mại từ riêng Canada và Mexico rất đáng kể. Năm 2019, xuất siêu sang 2 thị trường này lên tới 8,5 tỷ USD. Điều đó cho thấy rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã quan tâm xuất khẩu sang các thị trường mới.

Theo Sở Công thương Bình Dương, địa phương có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản..., sau gần 4 năm CPTPP có hiệu lực, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn đã nắm bắt được các nội dung cốt lõi, trọng tâm của hiệp định, một bộ phận doanh nghiệp đã tận dụng được ưu đãi xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường CPTPP.

Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2022 của Bình Dương sang thị trường CPTPP đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 11,02% so với cùng kỳ và chiếm 13,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Cần gia tăng tỷ lệ ưu đãi xuất xứ của doanh nghiệp Việt Nam

Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam tăng ở mức 2 con số tại một số thị trường CPTPP, tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ thực hiện trong CPTPP còn chưa cao, mới dừng ở mức 7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

CPTPP: Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam
Xuất khẩu hàng Việt Nam sang CPTPP còn nhiều dư địa. Ảnh: TL

Ông Ngô Chung Khanh cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sử dụng C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) mẫu CPTPP khi xuất khẩu sang các thị trường này không cao là để được ưu đãi thuế quan lớn cũng đi kèm với điều kiện về xuất xứ, yêu cầu về nguyên liệu sản phẩm nghiêm ngặt hơn khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại, vì chưa thể đạt được tiêu chuẩn nhập khẩu. Đây là hạn chế đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần cải thiện trong thời gian tới.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng doanh nghiệp Việt Nam nếu tích cực tìm hiểu CPTPP sẽ gia tăng tỷ lệ tận ưu đãi thông qua xuất xứ hàng hóa.

Để tận dụng tối đa ưu đãi, bà Thu Hương mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định đem lại để biết được rằng cơ hội ở đâu, thị trường nào và nhóm hàng nào. Mặt khác, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ, tìm hiểu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Liên quan đến việc tổ chức hệ thống cấp C/O, bà Đỗ Thị Thu Hương cho hay, hiện nay phần lớn đều là do tổ chức cấp C/O, doanh nghiệp phải đến đăng ký nộp hồ sơ cho các tổ chức cấp. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ chuyển dịch dần sang cho doanh nghiệp tự chứng nhận và hiện nay đã làm với ASEAN rồi và sẽ sang các hiệp định khác.

Để nâng cao được năng lực cạnh tranh khi tham gia CPTPP, ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, doanh nghiệp cần phát huy được thế mạnh của nhân lực công công nhân, sự khéo léo tỉ mỉ để có thể lôi kéo được các thương hiệu lớn bởi họ cần sự tinh túy trong quá trình sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, cần hướng chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, phát huy các mô hình kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp mau phục hồi.

Nguyễn Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam