Nhiều bộ, ngành và địa phương xin trả lại vốn ODA

06:00 | 02/12/2022 Print
(TBTCO) - Lũy kế 11 tháng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài mới đạt 26,06%, trong đó, còn 6 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0% và có tới gần 40% số dự án chưa giải ngân đồng nào. Đến ngày 1/12/2022 đã có tới 8 bộ, ngành và 35 địa phương đã xin được điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư.

54 địa phương và 10 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 50%

Phát biểu tại Hội nghị với 13 bộ, ngành, 61 địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng năm 2022 và giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 1/12, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng, mặc dù tình hình có được cải thiện, song tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn thấp.

Theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, tổng số vốn giải ngân từ đầu năm tới nay mới đạt 26,06% kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài của năm 2022, tương ứng 9.014,59 tỷ đồng. Trong đó giải ngân của các bộ, ngành là 4.154,05 tỷ đồng, đạt 35,17%; địa phương là 4.860,54 tỷ đồng, đạt 21,34% kế hoạch.

Bộ Tài chính đánh giá, con số này gần gấp 3 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm (9,12%), song vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước (khoảng 60% kế hoạch). Đặc biệt, có tới 54 địa phương và 10 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó 6 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%; 3 bộ và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch vốn.

Trong tổng số 294 dự án, tiểu dự án (dự án) trong cả nước được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022, thì có đến 114 dự án chưa giải ngân, với số vốn được giao là 6.235,2 tỷ đồng, chiếm 18,03% kế hoạch; 47 dự án giải ngân dưới 20%; 59 dự án giải ngân trong khoảng từ 20-50%; 74 dự án giải ngân trên 50% kế hoạch.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Thông tin tại hội nghị, hiện nhiều bộ, ngành và địa phương xin trả lại vốn. Năm 2022, cả nước có 13 bộ, ngành được phân bổ nguồn vốn vay nước ngoài. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Tài chính đến ngày 30/11 cho thấy, có tới 8 bộ, ngành đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, với tổng số vốn đề nghị là 3.678,5 tỷ đồng (số này không bao gồm 250,364 tỷ đồng của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 50 tỷ đồng của Bộ Y tế đã được chấp thuận điều chỉnh giảm trước đó); 35/59 địa phương đề nghị giảm là 8.804,5 tỷ đồng.

Về nguyên ngân dẫn đến chậm giải ngân, đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thấp chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án, dẫn đến việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân, hoặc đã có khối lượng nhưng chưa được kiểm soát chi, hoặc đã kiểm soát chi nhưng chưa được tập hợp để gửi hồ sơ rút vốn; chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chậm thiết kế cơ sở; chậm đấu thầu, vướng mắc trong đấu thầu, hoặc vướng trong thực hiện hợp đồng với nhà thầu...

"Một nguyên nhân khác là kế hoạch vốn 2021 kéo dài, phải được thực hiện và giải ngân trước 31/12/2022, nhưng kế hoạch vốn kéo dài của năm 2021 được thông báo và giao chậm, nên nhiều dự án không thể giải ngân kế hoạch vốn 2022 trước, đồng thời kế hoạch vốn 2021 kéo dài giải ngân rất chậm" - đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết.

Khẩn trương chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện

Sau khi nghe các ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn vay nước ngoài đóng vai trò quan trọng để phục hồi phát triển. Với vai trò của mình, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đôn đốc. Theo phân công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã trực tiếp xuống kiểm tra tại một số địa phương, làm việc trực tuyến với tất cả các chủ dự án, làm dự án có nguồn vốn nước ngoài, chỉ đạo đơn giản thủ tục kiểm soát chi… Mặc dù vậy, giải ngân còn thấp so yêu cầu.

“Chậm giải ngân không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ dự án mà còn ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân, tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thậm chí, đối với nguồn vốn nước ngoài chậm giải ngân còn làm tăng chi phí vay, trong một số trường hợp còn dẫn tới tranh chấp pháp lý khá tốn kém” - Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh.

Khẩn trương rà soát vướng mắc của từng dự án

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát vướng mắc của từng dự án, đặc biệt là dự án đã được phê duyệt chủ trương, tổng mức đầu tư; bám sát từng dự án để chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện trong tháng cuối năm; khẩn trương hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán rút vốn; các địa phương cần rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức đơn giá phù hợp với mặt bằng giá mới.

Theo Thứ trưởng, trong rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, không thể không nhắc đến trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng dự toán và giao dự toán đã không thật sự chắc chắn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đề nghị, các bộ ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát vướng mắc của từng dự án, đặc biệt là dự án đã được phê duyệt chủ trương, tổng mức đầu tư; bám sát từng dự án để chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện trong tháng cuối năm; khẩn trương hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán rút vốn; các địa phương cần rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức đơn giá phù hợp với mặt bằng giá mới.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đề nghị cần xem xét các vấn đề về thủ tục, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, trong đó bao gồm cả kiến nghị điều chỉnh tổng mức chủ trương đầu tư của các dự án. Theo Thứ trưởng, về nguyên tắc không đặt vấn đề hoàn trả vốn, bởi dự toán đã giao thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan đề xuất kế hoạch vốn. Chưa kể, đối với phần vốn ngoài nước, dù hoàn trả nhưng cả trung ương và địa phương vẫn phải trả chi phí cam kết vốn, lãi vay.

* Ông Nguyễn Ngọc Tú - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội:

Các dự án đều phải làm thủ tục điều chỉnh thời gian, tổng mức đầu tư

Nhiều bộ, ngành và địa phương xin trả lại vốn ODA
Ông Nguyễn Ngọc Tú

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra trong quý I/2022 nên tiến độ thực hiện giải ngân các dự án của Hà Nội bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các dự án đều phải làm thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, tổng mức đầu tư, hiệp định vay, vì vậy sẽ không giải ngân hết kế hoạch vốn ODA năm 2022 đã giao.

Thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã tích cực chỉ đạo các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết khó khăn cho các dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, TP. Hà Nội kiến nghị các bộ, ngành liên quan ưu tiên, hướng dẫn phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hà Nội để đẩy nhanh công tác nghiệm thu và bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống; đẩy nhanh công tác rà soát hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án, đảm bảo thời gian phê duyệt trước 31/12/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời làm việc với các nhà tài trợ để xem xét đẩy nhanh thủ tục xét duyệt giải ngân, ký điều chỉnh, bổ sung các hiệp định vay cho các dự án khi hoàn thành xong thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư...

* Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch và Đầu tư - Bộ Giao thông vận tải:

Phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn giao năm 2022

Nhiều bộ, ngành và địa phương xin trả lại vốn ODA
Ông Nguyễn Anh Dũng

Đến hết tháng 11/2022, kết quả giải ngân vốn ODA của 18 dự án được bố trí vốn nước ngoài (trong tổng số 28 dự án ODA) do Bộ Giao thông vận tải quản lý, đạt khoảng 2.874,7 tỷ đồng/4.877 tỷ đồng vốn được bố trí, tương đương khoảng 58,95% kế hoạch.

Kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 cần phải giải ngân khoảng 2.000 tỷ đồng. Trên cơ sở tổng hợp số liệu về khả năng giải ngân kế hoạch năm 2022 từ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, dự kiến cả năm 2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân được khoảng 4.650 tỷ đồng vốn nước ngoài (tương đương khoảng 95,4% kế hoạch vốn được giao). Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đã trình Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung vốn trung hạn, khi được phép điều chỉnh thì Bộ Giao thông vận tải sẽ bảo đảm hoàn thành kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 được giao.

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam