Hà Nội: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình

08:37 | 03/12/2022 Print
(TBTCO) - Giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Hà Nội đang chậm. Vì vậy, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công
Hà Nội: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị về giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài

Ngày 2/12, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị về giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tính đến ngày 28/11/2022, vốn đầu tư công năm 2022 toàn thành phố đã giải ngân được 25.020,5 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch. Trong đó, cấp thành phố là 7.665 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch và cấp huyện là 17.376 tỷ đồng, đạt 58,9% kế hoạch.

Về vốn đầu tư công của thành phố năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 1.222 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch.

Đối với các dự án cấp thành phố có 13 đơn vị giải ngân cao so với tỷ lệ giải ngân chung của toàn thành phố (49%) gồm: Ban quản lý dự án Thăng Long (100%) Ban Giao thông (65,1%); Ban Dân dụng (65,1%); Quận Hoàng Mai (100%) quận Ba Đình (97,5%); Đống Đa (81%); huyện Đan Phượng (77,3%); Hoài Đức (58,1%).

Tại hội nghị, các đại biểu cho biết, việc giải ngân chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu; nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại các đơn vị, địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thời gian qua, thành phố đã quyết liệt triển khai các giải pháp và các sở, ngành, địa phương cũng đều có cam kết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố vẫn đạt thấp so với mục tiêu đề ra, thậm chí đang thấp hơn bình quân chung cả nước, đây là điều đáng quan ngại.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, thời gian từ nay đến cuối năm còn rất ít, các sở, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố và đây sẽ là tiêu chí để đánh giá tổng kết cuối năm của tập thể và cá nhân người đứng đầu.

Ông Trần Sỹ Thanh cũng lưu ý, các đơn vị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc; nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.

4 đơn vị đến nay chưa giải ngân (tỷ lệ 0%) gồm: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Cục Hậu cần - Bộ Công an, Công an TP. Hà Nội. Cục Công tác Đảng và công tác chính trị X03 - Bộ Công an. Còn lại 24 đơn vị giải ngân thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân chung của toàn thành phố, trong đó có 10 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 20%: Sở Tài nguyên và Môi trường (0,5%); Bảo tàng Hà Nội (6,9%); các huyện: Sóc Sơn (10,9%), Mê Linh (13,4%), Mỹ Đức (0,7%, Ứng Hòa (16,7%).

Thủy Tiên

© Thời báo Tài chính Việt Nam