Tỷ giá hạ nhiệt, doanh nghiệp xuất nhập khẩu bớt áp lực

07:25 | 05/12/2022 Print
(TBTCO) - Giai đoạn cuối tháng 11, tỷ giá tiếp tục hạ nhiệt và diễn biến tỷ giá theo đó tạo sự yên tâm phần nào cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trong tháng 11 cũng là tín hiệu tích cực cho tỷ giá cuối năm.

Tỷ giá giảm dần đều

Diễn biến tỷ giá những ngày cuối tháng 11 tiếp tục cho thấy tín hiệu giảm dần đều, dù chỉ với biên độ hẹp. Cụ thể, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố liên tục giảm qua từng ngày, còn Sở giao dịch NHNN đã có 2 tuần liên tiếp điều chỉnh giảm tỷ giá tham khảo bán ra. Về phía các ngân hàng thương mại, nhiều ngân hàng lớn cũng điều chỉnh giảm dần tỷ giá niêm yết và tiếp tục có động thái giảm khoảng cách giữa tỷ giá mua vào và tỷ giá bán ra.

Diễn biến ổn định tỷ giá giai đoạn vừa qua theo đó đã giải tỏa hoàn toàn tâm lý về việc NHNN “phá giá” đồng nội tệ sau quyết định nới rộng biên độ tỷ giá giao ngay hồi giữa tháng 10/2022 (từ +-3% lên +-5%). Thời điểm đó, NHNN cho biết, diễn biến tỷ giá chịu khá nhiều sức ép từ tình hình tài chính trên thế giới. Cụ thể, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát…

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Đánh giá về quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN thời điểm đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mức độ điều chỉnh là hợp lý và tác động của việc điều chỉnh này sẽ khiến đồng Việt Nam mất giá hơn một chút, nhưng mức độ này có thể vẫn trong khả năng kiểm soát do cân đo một cách toàn diện về nguồn cung - cầu ngoại tệ, thì Việt Nam vẫn có thặng dư tổng thể.

Diễn biến thực tế cho thấy, sau động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá thời điểm đó, tỷ giá đã có một số biến động, nhưng đi vào giai đoạn ổn định khá nhanh và trạng thái tăng “nóng” của tỷ giá trong giai đoạn trước đã được giải tỏa hoàn toàn. Trong suốt 1 tháng trôi qua kể từ đầu tháng 11 đến nay, bầu không khí trên thị trường ngoại hối đã không còn căng thẳng và tiếp tục xu hướng giảm dần đều khi bước sang tháng cuối cùng của năm.

Nguồn cung ngoại tệ vẫn gia tăng

Diễn biến “hạ nhiệt” của tỷ giá được giới chuyên gia cho rằng hoàn toàn hợp lý sau khi một số yếu tố găm giữ ngoại tệ do tâm lý đã được giải tỏa. Điều này cũng phù hợp với phán đoán của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) đưa ra vào đầu tháng 10/2022. Tại thời điểm đó, diễn biến tỷ giá đang tăng khá nóng, nhưng theo ông Độ, cung cầu USD cho hoạt động thương mại, đầu tư khá cân bằng, thậm chí nguồn cung USD khá dồi dào và lạm phát tại Việt Nam cũng khá ổn định. Những biến động của tỷ giá VND/USD cũng vẫn nằm trong quy luật chung trong khoảng 5-7 năm qua, phần nhiều xuất phát từ những dao động của chỉ số USD Index, trong đó có tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD, tức là chủ yếu mang tính đầu cơ, chứ không xuất phát từ những yếu tố mang tính nền tảng.

Đến thời điểm hiện nay, các thông tin vĩ mô vẫn tiếp tục giải tỏa hơn nữa tâm lý lo lắng của một số doanh nghiệp và người dân, khi nhiều thông điệp cho thấy nguồn cung USD gia tăng. Trong đó, yếu tố đáng chú ý là cán cân thương mại tiếp tục thặng dư trong tháng 11 và theo đó đóng góp thêm vào tổng mức thặng dư thương mại trong 11 tháng đầu năm 2022.

Đầu tư nước ngoài tăng cũng là yếu tố hỗ trợ tăng nguồn cung USD

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Về vốn đăng ký, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2022 đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước; trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước. Với diễn biến này, cán cân thương mại tháng 11 xuất siêu 0,78 tỷ USD. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giai đoạn này đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Với diễn biến này, tổng giá trị xuất siêu trong 11 tháng đầu năm 2022 lên tới 10,6 tỷ USD.

Áp lực tỷ giá theo đó đã khá “nhẹ nhàng” và diễn biến này rơi đúng vào tháng cuối cùng của năm - thường là giai đoạn nhu cầu xuất nhập hàng hóa của doanh nghiệp tăng cao, theo đó cũng giúp cho các doanh nghiệp bớt lo lắng về các rủi ro tỷ giá có thể xảy ra. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại khi thu hẹp khoảng cách biên độ tỷ giá mua vào/bán ra cũng có tác động tích cực cho doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp khi mua bán ngoại tệ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu với biên độ mua vào/bán ra hẹp hơn cũng sẽ giảm bớt được đáng kể chi phí khi mua/bán ngoại tệ.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam