Giá lợn hơi hôm nay (5/12) duy trì ổn định

14:44 | 05/12/2022 Print
Giá lợn hơi hôm nay 5/12/2022 tại thị trường ba miền tiếp tục đi ngang và thu mua quanh mức 50.000 - 55.000 đồng/kg. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là mức giá không có lãi đối với người chăn nuôi.
Giá lợn hơi hôm nay (5/12) duy trì ổn định
Giá lợn hơi hôm nay (5/12) duy trì ổn định. Ảnh: TL

Giá lợn hơi từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, người chăn nuôi không có lãi

Giá lợn hơi miền Bắc hôm nay không có biến động mới so với hôm qua và giao dịch ở mức 52.000 - 55.000 đồng/kg. Trong đó, mức giao dịch ở nhiều địa phương như Yên Bái, Nam Định, Lào Cai, Hà Nam và Ninh Bình ở mức giá 52.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực. Trong khi đó, Hưng Yên tiếp tục giữ mức giá cao nhất khu vực hôm nay, với ngưỡng 55.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, lợn hơi vẫn duy trì mức thu mua với giá 53.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung và Tây Nguyên đi ngang so với hôm qua và giao dịch quanh mức 50.000 - 54.000 đồng/kg. Cụ thể, Bình Thuận vẫn là địa phương có mức thu mua thấp nhất khu vực, với giá 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, mức giá cao nhất là 55.000 đồng/kg đang neo tại tỉnh Lâm Đồng.

Giá thịt lợn hôm nay 5/12/202 cho thấy, Công ty Thực phẩm bán lẻ có giá bán các loại thịt lợn dao động từ 62.000 đồng/kg đến 156.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá bán sản phẩm mỡ lợn được ghi nhận thấp nhất, đạt mức 62.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam duy trì ổn định so với hôm qua và giao dịch quanh ngưỡng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Theo đó, Kiên Giang vẫn giữ mức giao dịch thấp nhất khu vực, neo tại giá 51.000 đồng/kg; còn Cà Mau neo tại mức cao nhất khu vực với giá 55.000 đồng/kg.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá lợn hơi đang giao dịch từ mức 50.000 - 55.000 đồng/kg là mức giá khiến cho người nông dân vô cùng lo lắng, nhất là khi dịp Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề. Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, giá lợn hơi đang xuống dưới mốc 60.000 đồng/kg. Với mốc này, người chăn nuôi không có lãi, vì giờ giá thành chăn nuôi ở mức từ 60.000 - 65.000 đồng/kg do giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 11/2022 tăng 12,4% so với cùng thời điểm năm 2021. Lượng lợn tăng nhanh trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút, xuất khẩu thịt lợn tiểu ngạch bị cắt đứt, khiến cho cung vượt cầu và giá giảm mạnh.

Giá lợn hơi hôm nay (5/12) duy trì ổn định
Cơ cấu thị trường xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt của Việt Nam. Ảnh: TL

Nới lỏng các rào cản để được bán lợn qua biên giới

Nguồn thịt lợn trong nước dồi dào, trong khi đúng chu kỳ mọi năm thì tháng 11 sẽ là tháng tiêu thụ thịt lợn tăng mạnh, giá sẽ tăng lên nhưng năm nay giá thịt lợn đã giảm hơn cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Trọng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT) cho rằng, giá thịt lợn liên tục giảm trong thời gian gần đây do nguồn tiêu thụ giảm trên cả nước. Ngoài ra, do ảnh hưởng của lạm phát, hoạt động sản xuất gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp giảm giờ làm, thậm chí phải cắt giảm số lượng lớn công nhân. Chi tiêu của người dân thắt chặt hơn cũng khiến nhu cầu tiêu thụ thịt giảm.

Mới đây, một số hiệp hội chăn nuôi đề xuất việc mở cửa xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nhằm đẩy giá mặt hàng này lên. Trước thông tin trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất này.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.

Về cơ hội khi được xuất khẩu lợn hơi trở lại, Trung Quốc vẫn là thị trường khả quan nhất khi giá lợn hơi bình quân hiện 90.000 đồng/kg, cao hơn Việt Nam 30.000 đồng/kg; giá lợn hơi Thái Lan là 80.000 đồng/kg. Xuất khẩu lợn sang Thái Lan hơi khó vì nước này siết chặt nhập khẩu, nhưng với thị trường Trung Quốc, nhu cầu là rất lớn. Do đó, đang có rất nhiều kiến nghị nên xem xét cho xuất lợn qua thị trường Trung Quốc để cải thiện giá trong nước, tránh cho người nuôi chịu nhiều áp lực mà bỏ chuồng.

Bán lợn sang Trung Quốc không còn dễ như trước

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cần tính toán đến mức độ khả thi của phương án này bởi việc bán lợn qua đường tiểu ngạch không còn dễ như trước đây. Ngay cả khi Việt Nam chủ động nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu lợn qua đường tiểu ngạch thì cũng chưa chắc bán được hàng sang Trung Quốc.

Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam