Nhiều ngân hàng ở châu Âu sẽ nâng mức trả cổ tức

14:26 | 29/07/2013 Print
Sau nhiều năm dùng tiền để cân bằng hoạt động và tái đầu tư, hàng loạt ngân hàng ở châu Âu có thể sẽ nâng cổ tức để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Cổ tức của BNP Paribas có thể dao động quanh 40-75% trên mức tổng lợi nhuận. Ảnh: Đ.T (theo BNP)

HSBC, UBS, BNP Paribas, Standard Chartered và một số ngân hàng khác ở Thụy Sĩ, Pháp và Thụy Điển có thể sẽ là những ngân hàng đi đầu trong việc tăng chi trả cổ tức.

Cổ tức của HSBC và BNP Paribas được dự báo sẽ tăng khoảng 30% so với năm ngoái, trong khi UBS sẽ tăng gấp tư. Tỷ lệ trả cổ tức của các ngân hàng này có thể dao động quanh 40-75% trên mức tổng lợi nhuận. Ngân hàng Barclays cũng dự đoán cố tức trung bình năm tới sẽ tăng 50% so với năm trước lên hơn 32 tỷ euro.

Tuy nhiên, việc mở đường cho các ngân hàng đang dư thừa tiền mặt thực hiện điều này gặp phải một số quy định pháp lý của châu Âu. Có nghĩa là các nhà đầu tư phải chờ ít nhất đến năm sau hoặc lâu hơn mới được hưởng cổ tức cao.

Các ngân hàng vẫn đang chờ cơ quan quản lý ra quyết định cuối cùng về mức vốn quy định để thực hiện trả cổ tức. Tại châu Âu, cổ tức ngân hàng cũng đã trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính. Kể từ đó, các nhà quản lý đề xuất một loạt các tỷ lệ an toàn vốn để bảo vệ người nộp thuế từ các gói giải cứu ngân hàng.

Lượng trả cổ tức của 28 ngân hàng lớn nhất châu Âu đạt mức cao kỷ lục 46,5 tỷ euro năm 2007, gấp 6 lần con số của một thập kỷ trước đó. Nhưng cổ tức năm 2008 giảm xuống 15 tỷ euro trước khi tăng trở lại lên 21 tỷ vào năm ngoái.

Ban đầu, các ngân hàng làm ăn có lãi và trả cổ tức ồ ạt, nên sau năm 2007 cổ tức sụt giảm do không tạo ra lợi nhuận hoặc lợi nhuận được giữ lại để tạo vốn mới.

Nhiều ngân hàng có triển vọng sẽ trả cố tức cao trong thời gian tới vì tạo ra nhiều tiền mặt, hạn chế cho vay do nền kinh tế còn ảm đạm và không có động lực để tiến hành M&A.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý có thể hạn chế mức chi trả cổ tức cho đến khi các nhà băng cam kết cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay nhiều hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng ở châu Âu đều đi theo kế hoạch này, đặc biệt là ở Tây Ban Nha. Nhiều ngân hàng nước này đang đối mặt với áp lực cắt giảm cổ tức bởi những rủi ro của nền kinh tế trong khi báo cáo kết quả kinh doanh quý II không mấy khả quan./.

Ngọc Nguyễn (Theo Reuters, FT)

Ngọc Nguyễn (Theo Reuters, FT)

© Thời báo Tài chính Việt Nam