Tư vấn chính sách thuế: Doanh nghiệp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu

07:39 | 07/12/2022 Print
(TBTCO) - Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua.

Hỏi: Doanh nghiệp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu. Nhưng khi đơn vị bán hàng thuộc trường hợp được giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP đơn vị đã lập hóa đơn bán hàng mà không tính giảm 20% thuế GTGT. Vậy hóa đơn đó có ảnh hưởng gì cho người mua và người bán không? Có phải lập lại hóa đơn không?

Trả lời:

- Tại Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 41/2022/NĐ-CP ngày 20/6/2022) quy định: “Điều 1. Giảm thuế GTGT

2. Mức giảm thuế GTGT

b) Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Trình tự, thủ tục thực hiện

b) Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này, khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”.

5. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

Căn cứ quy định trên và nội dung hỏi, trường hợp doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu, khi bán hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp được giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì đơn vị phải lập hóa đơn theo quy định tại Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP. Nếu doanh nghiệp đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua.

Nguồn: Cục Thuế tỉnh Thái Bình

© Thời báo Tài chính Việt Nam