Tiếp tục nâng cấp kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu

11:53 | 07/12/2022 Print
(TBTCO) - Hiện nay, trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động và các hệ thống công nghệ thông tin. Đây là kết quả thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Những cải cách của ngành Hải quan đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử, ông Park Kyung Il - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ, cho hay hiện giờ doanh nghiệp có thể "ngồi ở nhà" mà vẫn khai báo được thủ tục hải quan cho 100% lô hàng. Thời gian thông quan đối với hàng hóa luồng Xanh chỉ từ 3 - 5 giây. Một số chứng từ trước đây phải nộp bản giấy nay chỉ cần nộp bản điện tử với chữ ký số. Nộp thuế cũng được điện tử hóa và nhiều thủ tục khác được thực hiện qua dịch vụ công trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Đây đều là những cải cách mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp.

Ông Thang Văn Thông - Phó Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ Việt Nam, nhận định thủ tục hành chính của hải quan thời điểm hiện nay được cải tiến rất tốt, giám sát tất cả hàng hóa của tất cả đơn vị xuất khẩu rất khoa học, hỗ trợ tối đa cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song doanh nghiệp vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào sự cải cách hơn nữa của cơ quan hải quan. Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề xuất, tới đây, điều quan trọng là công tác hải quan cần tiếp tục đổi mới cập nhật, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và cho doanh nghiệp một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn. Từ đó, doanh nghiệp có thể hoàn thành các nghĩa vụ thuế, hải quan đối với nhà nước một cách đầy đủ theo đúng quy định, thuận lợi và nhanh nhất với chi phí thấp nhất.

Cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. Ảnh: Hồng Vân
Cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. Ảnh: Hồng Vân

Ngoài ra, để thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, ngoài thủ tục hải quan, doanh nghiệp còn phải làm thủ tục với các bên liên quan như: doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng, hãng tàu. Việc thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành với các bộ, ngành có liên quan có nơi, có chỗ vẫn gây vướng mắc, tốn nhiều thời gian chi phí. Đây là một điểm cần được tích cực giải quyết.

Theo ông Âu Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), hiện nay có hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Tổng cục Hải quan đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát để sửa đổi các văn bản đặc biệt là luật, nghị định, để đảm bảo thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản, nhanh chóng giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, bên cạnh đó giúp cơ quan quản lý có đầy đủ các thông tin để phục vụ quản lý, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Mô hình hướng tới (như tại Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao) cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Hướng tới số hóa đồng bộ

Ông Âu Anh Tuấn chia sẻ, Tổng cục Hải quan sẽ đề xuất tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Sau khi nghị định được ban hành, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW), để cho phép tất cả các thủ tục, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ thực hiện toàn bộ trên cổng.

Mặc dù, hiện nay các doanh nghiệp đã thực hiện một số thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trên cổng dịch vụ công của các bộ, ngành cũng như trên Cổng thông tin NSW, tuy nhiên chưa hoàn toàn điện tử, chưa hướng tới mô hình số hóa đồng bộ với việc triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh của ngành Hải quan. Do đó, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục nâng cấp để đảm bảo cho phép các doanh nghiệp, các bộ, ngành có thể thực hiện toàn bộ thủ tục trên Cổng thông tin NSW.

Đa số thành viên Chính phủ đồng tình với dự thảo nghị định

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự thảo nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, dự thảo nghị định đã được đa số thành viên Chính phủ biểu quyết nhất trí thông qua. “Những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao thì đưa vào nghị định. Những vấn đề thực tế có vướng mắc, thực sự cần tháo gỡ thì cần rà soát, xác định các nội dung, phạm vi vấn đề sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu” - thông báo nêu rõ.

Sau khi triển khai mức độ rộng hơn, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại quyết định này.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan áp dụng đầy đủ các nguyên tắc cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm như: áp dụng quản lý rủi ro; chuyển đổi phương thức kiểm tra từ chặt sang kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm… Qua đó, doanh nghiệp giảm được thời gian chi phí thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành với các cơ quan liên quan. Cơ quan hải quan cũng giảm thời gian thông quan, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam