Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp số: Thúc đẩy công nghệ Việt vươn ra toàn cầu

14:58 | 08/12/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 8/12/2022, Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) xoay quanh chủ đề "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu" đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là diễn đàn thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp số: Thúc đẩy công nghệ Việt vươn ra toàn cầu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: H.T

Diễn đàn là cái nôi để công nghệ số Việt Nam trưởng thành

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Phạm Đức Long cho biết, công nghệ số tiếp tục là điểm sáng, khi năm 2022 doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, doanh nghiệp công nghệ số có sự phát triển mạnh mẽ với 70.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và hoạt động; xuất khẩu công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vai trò của công nghệ số trong đổi mới số sáng tạo.

Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là chương trình thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Đây là nơi gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nhận diện cũng như đề xuất giải quyết các vấn đề trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam.

Do đó, doanh nghiệp số Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, và Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là cái nôi để công nghệ số trưởng thành và vươn ra toàn cầu.

Theo đó, nhằm hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép: Phát triển đồng bộ ba trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu, Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 lần thứ 4 được tổ chức.

"Với chủ đề "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu", mong rằng các doanh nghiệp sẽ tích cực trao đổi, góp phần nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi toàn cầu, đồng thời đề xuất các lời giải hay, hiệu quả để truyền đi thông điệp Việt Nam là điểm đến cho các tập đoàn doanh nghiệp số" - Thứ trưởng chia sẻ.

Phải tập trung vào nhân lực công nghệ

Tham dự và chủ trì Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có nhiều chia sẻ và thông điệp gửi đến cộng đồng doanh nghiệp số tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn trở thành một nước công nghiệp phát triển, có một cuộc sống hoà bình, an toàn, văn hoá và một nền sản xuất hiện đại, Việt Nam phải làm rất nhiều việc phi thường và phải đặt ra mục tiêu từ năm 2020 đến 2030 phải tăng trưởng GDP 7,5%/năm và từ năm 2031 trở đi GDP phải tăng trưởng hơn 6%/năm.

Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp số: Thúc đẩy công nghệ Việt vươn ra toàn cầu
Các đại biểu tham quan một số sản phẩm Make in VietNam tiêu biểu. Ảnh: CTV

Để làm được điều đó, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cần phải tập trung hơn vào nhân lực công nghệ và tìm đến những lĩnh vực mới, còn dư địa đó là chuyển đổi số và công nghệ thông tin…

Trong phần tham luận, nói về việc tìm các lĩnh vực mới còn dư địa lớn, ông Ngô Diên Hy - Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, thị trường chuyển đổi số của Việt Nam vẫn còn dư địa lớn, cần phát triển công nghệ để giải các bài toán của Việt Nam. Đặc biệt khi Việt Nam đang đứng thứ 86 về Chính phủ số - rất thấp so với thế giới.

Ông Ngô Diên Hy cho biết, là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, VNPT đưa ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đầu tiên là tham gia Chính phủ số, VNPT tập trung bám sát chiến lược quốc gia, đồng thời dựng nền tảng chung tất cả hệ sinh thái do VNPT phát triển.

Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 lần thứ 4 có điểm khác biệt so với các lần trước đây là kết nối với nhiều đầu cầu tại nước ngoài, trong đó FPT đảm nhiệm kết nối 2 đầu cầu là Singapore và Nhật Bản với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghiệp Việt đang hoạt động tại 2 nước này.

Bên cạnh đó, VNPT cũng tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, công chức viên chức, các hệ thống nền tảng về nông nghiệp và phát triển nông thôn... Về kinh tế số, VNPT tập trung vào y tế, giáo dục, nông nghiệp. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, VNPT đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát triển dữ liệu ban đầu và mong các doanh nghiệp cùng tham gia triển khai.

Riêng với giáo dục, ông Hy cho biết, tập đoàn có hơn 50% thị phần đang được sử dụng trong các trường phổ thông.

Trong các doanh nghiệp công nghệ số, Viettel là một trong những đơn vị thành công trong việc đưa sản phẩm Make in Viet Nam ra nước ngoài. Chia sẻ về hành trình này, ông Lê Minh Hà - Giám đốc Giải pháp Quốc tế Tổng công ty giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho biết, đầu năm 2010, Viettel có chiến lược, nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm công nghệ chất lượng cao.

Theo ông Hà, khi làm việc với đối tác, Viettel nhận ra doanh nghiệp Việt đang phụ thuộc vào việc nhập "nguyên liệu" từ nước ngoài, không đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng và chưa đảm bảo được vấn đề an toàn thông tin. Do đó, Viettel tham gia nghiên cứu các sản phẩm công nghệ viễn thông do có thế mạnh là thị trường rộng lớn tại 11 quốc gia.

Để các doanh nghiệp số phát triển, đại diện Viettel đưa ra 2 giải pháp. Trong đó, chính phủ cần có chính sách để tạo dựng thị trường nội địa cho các sản phẩm công nghệ cao, thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao... Bên cạnh đó, Bộ TTTT cần tăng cường các chương trình xúc tiến, hợp tác quốc tế để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp số, Thứ trưởng Bộ TTTT - ông Phạm Đức Long đã cảm ơn những chỉ đạo sát sao từ phía Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và kỳ vọng diễn đàn sẽ tiếp nối tư tưởng những năm trước, thực hiện hóa chủ trương của Nhà nước.

Đồng thời, ông Long cũng cho biết, Bộ TTTT cũng cam kết xây dựng chương trình hoạt động cụ thể để phát triển các cộng đồng doanh nghiệp số. Theo đó, Bộ TTTT cũng đưa ra mục tiêu để đồng hành cùng doanh nghiệp số.

Cụ thể, Bộ TTTT sẽ cải cách thể chế để phù hợp, giúp các doanh nghiệp số phát triển. Đồng thời, Bộ TTTT sẽ đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, trở thành nòng cốt cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để đạt mục tiêu phát triển; tiếp tục khai phá thị trường trong nước, đổi mới cách làm, lấy thị trường trong nước làm bàn đạp ra nước ngoài.

Ông Long cũng nhấn mạnh, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại diễn đàn chính là động lực cho cộng đồng doanh nghiệp số. Bộ TTTT sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp với tư tưởng tạo ra các sản phẩm do người Việt làm chủ, hướng tới mục tiêu cao nhất là người dân hạnh phúc, đất nước phát triển./.

Tô Ngọc

© Thời báo Tài chính Việt Nam