Bức tranh kinh tế Thủ đô có nhiều kết quả nổi bật

15:15 | 08/12/2022 Print
(TBTCO) - Các đại biểu HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đều đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của thành phố trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bức tranh kinh tế của Thủ đô năm 2022 có nhiều điểm sáng với nhiều kết quả nổi bật.

Sáng 8/12, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ đại biểu HĐND TP. Hà Nội.

Đại biểu HĐND TP.Hà Nội khóa XVI đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của thành phố
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Triển khai tốt các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của thành phố trong triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết, Chương trình của Thành ủy và của HĐND TP. Hà Nội trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định từ cuối năm 2021 và nội dung triển khai công tác năm 2022.

Trong bối cảnh tình hình chính trị của thế giới có nhiều biến động, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế, thành phố đã tích cực tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 từ giai đoạn đầu năm và triển khai mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bức tranh kinh tế của Thủ đô có nhiều điểm sáng với kết quả nổi bật là: Hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó vượt kế hoạch 5 chỉ tiêu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 106,8% dự toán; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch được phục hồi với nhiều chỉ số tích cực…

Bên cạnh đó, thành phố đã quan tâm đến triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng trong năm bản lề thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt, các đại biểu đánh giá nỗ lực của hệ thống chính trị thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố trong việc phối hợp chặt chẽ với các tỉnh hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu để báo cáo Chính phủ và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. Công tác cải cách hành chính của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Việc tổ chức sắp xếp, tinh giản biên chế tại các cơ quan, đơn vị cơ bản đã triển khai có hiệu quả...

Tháo gỡ điểm nghẽn trong lưu thông tiền tệ và giao dịch bất động sản

Các đại biểu cũng đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.

Theo đó, thành phố cần có giải pháp cụ thể để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến lạm phát; nâng cao công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế năm 2023 để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong tăng trưởng, phát triển kinh tế theo kịch bản dự kiến lựa chọn là tăng trưởng 7%; xem xét xây dựng các kịch bản kinh tế cụ thể cho từng thời gian, từng giai đoạn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện kịp thời các giải pháp vĩ mô để tháo gỡ điểm nghẽn trong lưu thông tiền tệ và giao dịch bất động sản. Đặc biệt cần có các dự báo và giải pháp ứng phó với sự đổ vỡ của trái phiếu và thị trường bất động sản; rà soát tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn năng lực thực hiện; các giải pháp liên quan đến tín dụng ngân hàng; kiểm soát giá cả thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố như giá xăng dầu… Đại biểu đề xuất UBND thành phố tổ chức hội nghị đối thoại để thành phố được nghe các doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Thành phố cần tập trung giải quyết các nội dung liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu để khai thác hiệu quả hơn nguồn lực từ đất đai. UBND thành phố phải có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị tập trung thực hiện thẩm định, xác định giá khởi điểm để đấu giá đất tại các địa phương; có hướng dẫn về việc xác định quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội với các dự án phát triển nhà ở có sử dụng đất trên 2ha.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản công của thành phố để triển khai thực hiện; trong đó nghiên cứu việc khai thác lòng đường, vỉa hè (có thể coi như một loại tài sản công) để có biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý nhà chung cư trên địa bàn thành phố, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại các nhà tập thể cũ, nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.../.

Nguyên Phương

© Thời báo Tài chính Việt Nam