Detroit - biểu tượng sức mạnh công nghiệp Mỹ xin bảo hộ phá sản

11:10 | 24/07/2013 Print
Detroit, thành phố của ô tô, vừa trở thành đô thị lớn nhất xin bảo hộ phá sản trong lịch sử Mỹ, với khoản nợ trị giá khoảng 18 tỷ USD. Theo đó, chính quyền các bang trên khắp nước Mỹ sẽ bị rà soát xếp hạng tín dụng và chi phí huy động vốn, nếu tòa án phá sản chấp nhận đề xuất tái cơ cấu tài chính cho thành phố Detroit.

Ảnh: FT

Các tổ chức xếp hạng cũng như giới đầu tư trái phiếu đô thị Hoa Kỳ cho biết họ sẽ cân nhắc lại về cái gọi là "trái phiếu trách nhiệm toàn diện" (GO), nếu chính quyền Detroit kết luận chủ sở hữu của các trái phiếu này là thiếu sự bảo đảm.

Kevyn Orr, người chịu trách nhiệm cuộc tái cơ cấu, đang đề nghị trả các trái chủ ít hơn 20 cent trên một USD. Thị trường trái phiếu đô thị trị giá 3,7 nghìn tỷ USD của Mỹ lo sợ quyết định này có thể xoay chiều tính an toàn của trái phiếu GO.

Cả Fitch, Moody’s và Standard&Poor đều cảnh báo sẽ đánh giá lại cách nhìn nhận trái phiếu GO dựa trên kết quả tái cơ cấu thành phố Detroit.

Vì hầu hết trái phiếu GO được chính phủ đảm bảo bằng cách cam kết tăng thuế không giới hạn khi gặp khó khăn tài chính để bù đắp cho khoản sụt giảm giá trị, chúng thường có xếp hạng tín dụng cao hơn so với các công cụ nợ đô thị khác.

Chiến lược gia Vikram Rai của CitiGroup nhận định: "Xử lý trái phiếu GO ngang bằng với các hình thức vay nợ không có bảo đảm sẽ thiết lập một tiền lệ rất xấu cho thị trường công cụ nợ đô thị".

Theo ông Rai, trái phiếu GO được coi là trách nhiệm ngân sách đầu tiên, nên các bên phát hành đã thỏa thuận ngầm sẽ thu thuế bổ sung để trả nợ nếu các quỹ chung không còn đủ.

Ông nói thêm: "Việc đối xử trái chủ GO ngang bằng với các chủ nợ khác là vi phạm cam kết này và sẽ có hậu quả tiêu cực lên độ tin cậy của trái phiếu này trong tương lai, có nghĩa là giảm khả năng cấp vốn của thành phố".

Nhà phân tích Amy Laskey của Fitch cho biết: "Nếu trái phiếu GO không được thanh toán đầy đủ, chúng tôi sẽ đánh giá lại các cam kết thuế của chính quyền".

Hậu thuẫn từ Nhà Trắng?

Thị trưởng Detroit, ngài Dave Bing đang để ngỏ lời kêu gọi giúp đỡ từ liên bang. Ông cho biết đã đàm phán với chính quyền Obama để nhận hỗ trợ nhưng chưa có kết quả.

Nhưng rõ ràng là Nhà Trắng sẽ đứng ngoài cuộc khi Phó Tổng thống Joe Biden nói không chắc chắn trong việc có giải cứu Detroit hay không.

Ngoài ra, giải cứu Detroit sẽ thiết lập một tiền lệ xấu cho các thành phố gặp khó khăn với những khoản nợ bị mất kiểm soát. Không giống như việc tái cơ cấu ngành ôtô bốn năm trước khi các quan chức Nhà Trắng đóng một vai trò quan trọng, cuộc tái cơ cấu Detroit lần này đã có ông Kevyn Orr và Thống đốc tiểu bang Michigan chịu trách nhiệm.

Dù sao Detroit vẫn có thể được cứu, nếu chính quyền thành phố thuyết phục được chính quyền liên bang rằng, vẫn còn cơ hội kinh doanh tại một trong những cái nôi của nền công nghiệp Hoa Kỳ./.

Detroit - Thành phố từng là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ, đã nộp đơn xin bảo hộ trước các chủ nợ, bao gồm những nhân viên làm trong khu vực công và quỹ hưu trí của họ. Detroit đã đối mặt với nhiều vấn đề suốt hàng thập kỷ qua do sự sụt giảm của ngành công nghiệp. Các dịch vụ công ở đây hiện đang trong tình trạng gần sụp đổ và khoảng 70.000 ngôi nhà hoặc tòa nhà bị bỏ hoang.

Ngọc Nguyễn (Theo FT, Forbes)

Ngọc Nguyễn (Theo FT, Forbes)

© Thời báo Tài chính Việt Nam