Quảng Ninh: Tái sử dụng đất đá thải mỏ giúp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

14:17 | 12/12/2022 Print
(TBTCO) - Để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường. Tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xây dựng phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Qua đó, giải quyết khó khăn về diện đổ thải, giảm bớt chi phí bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
Quảng Ninh: 7 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng 2 con số Quảng Ninh: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh Khai mạc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022

Với nhiều dự án cơ sở hạ tầng được triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu đắp, san lấp mặt bằng trên địa bàn là rất lớn. Theo thống kê giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ninh cần 640 triệu m3 đất đá cho hoạt động san lấp dự án trọng điểm, đến năm 2025 các dự án đã đăng ký là 595 triệu m3, trung bình là 150 triệu m3/năm. Giai đoạn 2026 - 2030 là 510 triệu m3. Điển hình như dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh cần khoảng 300 - 400 triệu m3, dự án tổ hợp cảng biển tại thị xã Quảng Yên là khoảng 100 triệu m3.

Quảng Ninh: Tái sử dụng đất đá thải mỏ giúp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Những "núi thải" tại khai trường khai thác của TKV.

Trong khi đó, hàng năm, các mỏ than tại Quảng Ninh đưa ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất, đá. Tổng diện tích chiếm dụng khoảng 4.000 ha đất để làm bãi thải. Đến nay, tổng trữ lượng đất, đá thải mỏ là rất lớn, khoảng hơn 2,1 tỷ m3, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở trong mùa mưa lũ.

Tập đoàn TKV đã thành lập quỹ môi trường từ 1-1,5% chi phí sản xuất để khắc phục các sự cố về môi trường do các bãi đổ thải. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ninh cùng với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã phải chi 2.173 tỷ đồng để thực hiện đề án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm.

Trong tổng số diện tích khoảng 4.000 ha bãi thải, Tổng Công ty Đông Bắc quản lý diện tích khoảng 1.627 ha với tổng trữ lượng trên 459 triệu m3, trong đó trữ lượng tại các bãi thải đã đổ thải có thể cung cấp khoảng trên 146 triệu m3. Các vị trí bãi thải do Tập đoàn cộng nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý với diện tích khoảng 2.425 ha có tổng trữ lượng khoảng 1,666 tỷ m3, trong đó trữ lượng tại bãi thải có thể cung cấp khoảng 1.228 triệu m3.

Để giải bài toán hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường, Quảng Ninh đã phối hợp với TKV lên phương án sử dụng đất, đá thải mỏ than làm vật liệu san lấp. Chủ trương này không những giải được bài toán khan hiếm vật liệu san lấp cho các công trình, mà còn tiết kiệm được tài nguyên, thu hẹp diện tích các bãi thải mỏ, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Với sự ủng hộ của các bộ, ngành trung ương, tháng 3/2022, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành văn bản số 761/ĐCKS-KS, đồng ý về nguyên tắc và cho phép TKV thu hồi, sử dụng đất, đá thải tại bãi thải trong quá trình khai thác than tại mỏ Suối Lại để làm vật liệu san lấp cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tổng khối lượng là 3,5 triệu m3. Thời gian thực hiện đến 31/12/2022. Hiện, Tập đoàn TKV đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường gia hạn đến hết năm 2025.

Quảng Ninh sử dụng đất đá thải phục vụ san lấp
Quảng Ninh và TKV thực hiện lễ khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các công trình dân dụng và công nghiệp.

Sau khi hoàn thành hết các thủ tục để thực hiện khai thác, thu hồi đất, đá thải tại mỏ Suối Lại, Tập đoàn TKV đã ký kết hợp đồng kinh tế cung cấp đất, đá thải tại mỏ này cho các dự án gồm: Cầu Cửa Lục 3, Khu đô thị ngành than. Ngày 24/11, Tập đoàn TKV chính thức tổ chức lễ khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp tại Quảng Ninh.

Có thể nói, việc tái sử dụng đất đá thải mỏ là yêu cầu bức thiết, giúp cho tỉnh Quảng Ninh đạt được đa mục tiêu theo hướng tích cực góp phần giảm áp lực về diện tích bãi thải; giảm ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh thái. Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm chi phí xử lý đất đá thải mỏ và tăng hiệu quả kinh tế khai thác của ngành than trên địa bàn./.

Thế An

© Thời báo Tài chính Việt Nam