"Nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

15:32 | 14/12/2022 Print
(TBTCO) - Tiếp tục siết chặt kỷ cương, phát huy vai trò của người đứng đầu, không để tình trạng "vốn chờ dự án”… là những việc cần phải tiếp tục làm tốt trong thời gian này để đưa tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt kết quả cao nhất.

Tiến độ giải ngân vẫn rất chậm

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là kết thúc năm 2022, nhưng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng qua mới đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%).

Hiện, các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân đạt rất thấp còn tương đối nhiều. Đây chính là nguyên nhân kéo tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt thấp.

Tổ công tác số 6 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công tại 5 địa phương: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Bình Dương.

Báo cáo cho biết, qua kiểm tra chi tiết giải ngân vốn ngân sách trung ương cho thấy, cả 5 địa phương đều có các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân nhưng đạt rất thấp. Cụ thể, tỉnh Hà Giang 24 dự án; tỉnh Cao Bằng 7 dự án, tỉnh Bắc Kạn 7 dự án, tỉnh Lai Châu 8 dự án, tỉnh Bình Dương 1 dự án.

Tổ công tác số 1 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng cũng vừa có cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với 8 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương là Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị.

Bộ Tài chính đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu đề ra.
Bộ Tài chính đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo tại cuộc họp, hiện cả 8 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương này đều đang có tỷ lệ giải ngân thấp. Đơn cử như Tòa án Nhân dân tối cao mới giải ngân được gần 48% kế hoạch vốn được giao; Bộ Công an giải ngân được trên 25%; Bộ Ngoại giao trên 18%; tỉnh Quảng Trị giải ngân gần 46%...

Các nguyên nhân khiến cho tiến độ giải ngân chậm và tỷ lệ giải ngân đạt thấp tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương nêu ra.

Theo đó, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 1 kiểm tra, đều có dự án khởi công mới trong năm 2022. Các dự án đã có quyết định đầu tư đủ điều kiện giao kế hoạch vốn nhưng chưa thể triển khai thực hiện, giải ngân vốn do sau khi có quyết định đầu tư, các dự án tiếp tục thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt bản vẽ thi công, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới có thể ký kết được hợp đồng, khởi công công trình, tạm ứng và thanh toán vốn. Thời gian đấu thầu thường mất khoảng 4 tháng để lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế bản vẽ thi công và nhà thầu thi công.

Tại các địa phương do Tổ công tác số 6 kiểm tra cũng đưa ra những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Cụ thể là, dự án liên vùng kết nối giữa 2 địa phương vướng mắc trong phê duyệt chủ trương đầu tư do Luật Đầu tư công hiện nay không có quy định dự án qua 2 địa phương thì Thủ tướng Chính phủ giao cho 1 địa phương thực hiện phê duyệt chủ trương và quản lý dự án. Hơn nữa, dự án giao thông miền núi thường vướng phải chuyển đổi mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư dự án…

Thực hiện nhiều giải pháp, tạo chuyển biến mạnh trong giải ngân

Thời gian không còn nhiều, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương thời gian này là vô cùng quan trọng để đưa tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất khi hết năm ngân sách. Theo đó, quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 và Công điện số 1076/CĐ-TTg ngày 10/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là giải pháp đang được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh lúc này.

Để góp phần đưa tỷ lệ giải ngân của cả nước tăng lên, kết luận tại cuộc họp với 8 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã yêu cầu các đơn vị phải tiếp tục siết chặt kỷ cương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh trong nội bộ của bộ, cơ quan, địa phương mình theo quy định.

Kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân

Tại báo cáo của Tổ công tác số 6, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng đã nhấn mạnh, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải được thực hiện theo phương châm “nói là làm”. Do đó, Chính phủ sẽ kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân vốn (nhất là những dự án được bố trí vốn kế hoạch năm 2022 nhưng đến nay có số vốn giải ngân bằng 0) để bố trí cho các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các bộ, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuẩn bị dự án để khi giao vốn dự án được triển khai ngay, không để xảy ra tình trạng “vốn chờ dự án”. Đồng thời yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thúc đẩy chủ đầu tư cập nhật nhanh chóng, thường xuyên khối lượng giải ngân để Chính phủ nắm bắt con số chính xác nhất về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công, trên cơ sở đó có biện pháp phù hợp, kịp thời.

Tại 5 địa phương do Tổ công tác số 6 vừa có cuộc kiểm tra để đôn đốc tiến độ thực hiện giải ngân, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương này cần tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng đã yêu cầu người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân; tăng cường kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam