DATC chung tay vực dậy thành công doanh nghiệp hàng hải hàng đầu Việt Nam

18:13 | 14/12/2022 Print
(TBTCO) - Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao mua và xử lý các khoản nợ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đến nay Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã hoàn tất việc mua và xử lý nợ tại công ty mẹ, xử lý phần lớn nợ tại các đơn vị thành viên, qua đó góp phần vực dậy doanh nghiệp đầu ngành trong ngành hàng hải, hỗ trợ phát triển ngành vận tải biển Việt Nam. Đặc biệt, việc xử lý nợ của Vinalines tại các ngân hàng thông qua DATC hoàn toàn theo cơ chế thị trường, không dùng ngân sách nhà nước.

DATC mua 11.418 tỷ đồng nợ của Vinalines từ các tổ chức tín dụng

Giai đoạn 2008 - 2012, sau thời gian phát triển nóng, ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng hải. Giá cước vận tải biển sụt giảm trầm trọng, nhiều doanh nghiệp vận tải biển trên thế giới rơi vào thua lỗ và Vinalines cũng không ngoại lệ.

Từ một doanh nghiệp đầu ngành của ngành vận tải biển Việt Nam, Vinalines ngập trong nợ nần, đứng trước bờ vực phá sản. Vào năm 2012, lỗ lũy kế của tập đoàn lên tới hơn 16.000 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 66.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm tới hơn 4.600 tỷ đồng. Trước khó khăn đó, ngày 4/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012 – 2015 với hàng loạt giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp quan trọng chủ chốt là cơ cấu lại các khoản nợ vay, xử lý nợ thông qua tham gia đàm phán trên nguyên tắc giá thị trường. Theo đó, DATC là tổ chức trung gian được Chính phủ giao nhiệm vụ đứng ra mua và xử lý của Vinalines (gồm công ty mẹ và các đơn vị thành viên) tại các tổ chức tín dụng.

Vinalines hiện là doanh nghiệp sở hữu hệ thống cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam.
Vinalines hiện là doanh nghiệp sở hữu hệ thống cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam.

Chia sẻ về quá trình thực hiện nhiệm vụ này, ông Phạm Mạnh Thường - Tổng Giám đốc DATC cho biết, công ty đã đứng ra gặp gỡ, đàm phán nhiều vòng, đưa ra nhiều phương án với các tổ chức tín dụng cả trong và ngoài nước để tìm hướng xử lý. Các ngân hàng chủ nợ luôn muốn thu nợ với giá cao nhất nhưng với những thông tin, giải pháp thuyết phục, đơn vị trung gian đã giúp các bên nhìn thẳng vào thực trạng, tìm được tiếng nói chung để xử lý các khoản nợ một cách phù hợp.

“Tất cả các bên có liên quan đều phải xác định tư tưởng sẵn lòng chia sẻ khó khăn, thậm chí phần nào thiệt thòi để đạt được mục tiêu chung, lớn hơn là vực dậy một doanh nghiệp đầu ngành hàng hải” - ông Phạm Mạnh Thường cho hay.

Với nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao, đến nay, DATC đã hoàn tất công tác mua và xử lý nợ tại công ty mẹ và xử lý phần lớn các khoản nợ tại các đơn vị thành viên.

Theo số liệu từ công ty, tổng dư nợ DATC đã mua từ các tổ chức tín dụng là 11.418 tỷ đồng (bao gồm nợ gốc là 8.318 tỷ đồng, nợ lãi là 3.100 tỷ đồng). Trong đó, nợ khối ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối chiếm 55,3% tổng nợ. Nợ khối ngân hàng thương mại tư nhân chiếm 31,5%. Nợ khối ngân hàng nước ngoài chiếm 13,2% tổng nợ đã được xử lý. Tổng giá trị Vinalines và đơn vị thành viên nhận nợ và có trách nhiệm thanh toán cho DATC là 4.576 tỷ đồng.

Tổng giá trị phần chênh lệch DATC đã và sẽ bàn giao cho Vinalines và đơn vị thành viên để hạch toán tăng vốn nhà nước, xử lý lỗ theo quy định là 6.842 tỷ đồng, tương đương với 59,9% tổng dư nợ các khoản nợ được xử lý.

Vinalines thoát hiểm thành công nhờ tái cơ cấu nợ

Trong quá trình phối hợp với Vinalines để tái cơ cấu nợ, để đáp ứng được yêu cầu trong việc trả nợ cho DATC, Vinalines đã thực hiện sắp xếp và tổ chức lại doanh nghiệp; thu hẹp hoạt động theo hướng tinh gọn, tập trung sản xuất kinh doanh trong 3 lĩnh vực chính (vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải); áp dụng các biện pháp để tăng doanh thu (duy trì cung cấp dịch vụ vận tải cho các tổng công ty, tập đoàn thuộc khối doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh ký kết các hợp đồng dài hạn...); các biện pháp để tiết giảm tối đa chi phí (thực hiện bán các tàu cũ, kỹ thuật lỗi thời, có chi phí nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng cao)...

Các giải pháp này một mặt dần ổn định năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh qua các năm, mặt khác để đảm bảo Vinalines tích lũy đủ nguồn để trả cho DATC sau khi DATC mua nợ từ các tổ chức tín dụng.

Hoàn tất tái cơ cấu nợ tại Công ty mẹ - Tổng công ty Vinalines

Đến nay về cơ bản, DATC đã hoàn tất nhiệm vụ hỗ trợ tái cơ cấu nợ cho Công ty mẹ - Tổng công ty Vinalines (riêng khoản nợ tại VDB chưa có cơ chế để thực hiện). DATC đã thực hiện xử lý 8 khoản nợ của Vinalines tại các tổ chức tín dụng với tổng giá trị sổ sách các khoản nợ là 4.916 tỷ đồng.

Tổng nghĩa vụ nợ của Vinalines được giảm là hơn 2.567 tỷ đồng, qua đó Vinalines đã ghi tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp 2.567 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa của Vinalines. Tháng 9/2018, Vinalines đã tổ chức chào bán 488 triệu cổ phần (tương đương 34,8% vốn điều lệ) ra công chúng và cho nhà đầu tư chiến lược để thực hiện phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc xử lý nợ thông qua DATC đã mang lại lợi ích trong việc giảm nghĩa vụ nợ cho Vinalines và các đơn vị thành viên, tạo điều kiện, tạo đà cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định tình hình xã hội, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời hỗ trợ cho ngành vận tải biển, cảng biển Việt Nam, các ngành phụ trợ liên quan từng bước thoát khỏi khó khăn.

Đối với các đơn vị thành viên của Vinalines, thông qua DATC, các doanh nghiệp đều được giảm nợ, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi, khởi sắc và thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Đối với nợ từ các tổ chức tín dụng, nhiều khoản nợ đã được các tổ chức tín dụng bán cho VAMC và rút về để xử lý thông qua DATC. Tài sản bảo đảm của doanh nghiệp được giải chấp để doanh nghiệp tự do cơ cấu lại việc khai thác, xử lý nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Thay vì việc phát hành trái phiếu để trả nợ như trước làm tăng nợ công, thoát ly khỏi yếu tố thị trường và đẩy gánh nặng nợ về tương lai, việc DATC tham gia tái cơ cấu nợ đã làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tái cơ cấu tổ chức, hoạt động ngày một hiệu quả hơn.

Việc xử lý nợ thành công bước đầu một cách tổng thể, đồng bộ đối với Vinalines và các đơn vị thành viên tạo nên tác động tích cực trên diện rộng, tránh được sự đổ vỡ dây chuyền của Vinalines nói riêng và của ngành vận tải Việt Nam nói chung; tạo điều kiện để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, logistic. Qua đó, góp phần ổn định việc làm cho hàng ngàn cán bộ công nhân viên, thuyền viên, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời góp phần phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng quốc gia theo định hướng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, việc DATC tham gia xử lý nợ của Vinalines và các đơn vị thành viên góp phần thúc đẩy hình thành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam theo cơ chế thị trường.

Xử lý nợ hoàn toàn theo cơ chế thị trường

Việc xử lý nợ của các tổ chức tín dụng tại Vinalines thông qua DATC hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Nhà nước không phải dùng tiền từ Ngân sách nhà nước để xử lý nợ. Trong khi đó, phần chênh lệch giữa giá vốn DATC mua nợ và giá trị sổ sách khoản nợ được Vinalines hạch toán tăng vốn Nhà nước, tăng lợi ích của Nhà nước tại doanh nghiệp được tái cơ cấu. Đến thời điểm hiện tại, tổng số nợ đã được DATC bàn giao cho Vinalines và các đơn vị thành viên là hơn 6.736 tỷ đồng. Trong đó, được Vinalines hạch toán tăng vốn Nhà nước đầu tư tại Tổng Công ty Vinalines là 2.567 tỷ đồng; hạch toán giảm lỗ, tăng thu nhập tại các đơn vị thành viên là 4.169 tỷ đồng.

Năm 2022, Vinalines ước đạt doanh thu hợp nhất là 15.020 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm và tăng 5% so với năm 2021. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 3.300 tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch và giảm 7% so với năm 2021. Đáng chú ý là ngoài hoạt động kinh doanh chính cải thiện, trong 6 tháng đầu năm, Vinalines có thêm các khoản thu nhập khác lần lượt hơn 616 tỷ đồng và 763 tỷ đồng, đa phần đến từ việc được xóa, cơ cấu nợ với ngân hàng. Riêng việc xử lý nợ qua DATC tại Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông đã mang lại khoản thu 449 tỷ đồng.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam