Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất

06:38 | 26/12/2022 Print
(TBTCO) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm ngân sách (tính đến ngày 31/1/2023), nhưng lượng vốn đầu tư công cần giải ngân theo kế hoạch vẫn còn nhiều. Quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi kết thúc năm, các địa phương đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp trong giai đoạn “nước rút”này.

Thi công 3 ca, làm việc cả ngày nghỉ để tăng tiến độ

Năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công của TP. Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ giao sau khi điều chỉnh là trên 5.545 tỷ đồng và HĐND thành phố giao trên 7.462 tỷ đồng. Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đà Nẵng, tính đến ngày 15/12 vừa qua, toàn thành phố giải ngân được 4.685 tỷ đồng, đạt 84,5% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 62,8% kế hoạch HĐND thành phố giao.

Như vậy, với 45 ngày còn lại (theo quy định giải ngân vốn đầu tư theo năm ngân sách đến hết ngày 31/1/2023), TP. Đà Nẵng còn phải giải ngân 860 tỷ đồng kế hoạch trung ương giao và 2.300 tỷ đồng kế hoạch HĐND thành phố giao.

Đưa ra quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất (dự kiến đạt hơn 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao vào cuối năm tài chính), TP. Đà Nẵng đang quyết liệt thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra. UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ khi thời tiết tốt và ngày nghỉ, thi công 3 ca để đẩy nhanh tiến độ các công trình.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng. Đồ họa: Văn Chung

Tại tỉnh Bình Dương, báo cáo cho thấy, tính đến ngày 30/11 tỉnh Bình Dương mới giải ngân được 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch vốn được giao. Nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân là do vướng trong công tác thẩm định giá đất để triển khai đền bù giải phóng mặt bằng; một số công trình trọng điểm giải ngân chậm…

Để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hết ngày 31/1/2023 giải ngân đạt 95% kế hoạch, tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai chiến dịch cao điểm 55 ngày đêm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”. Đây cũng là nội dung để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức và người lao động.

Tích cực hỗ trợ địa phương và chủ đầu tư

Là cơ quan thực hiện khâu cuối cùng của dự án là kiểm soát và thanh toán vốn, các đơn vị KBNN cũng đang nỗ lực tạo mọi điều kiện cho việc giải ngân vốn tại thời điểm này. Ông Nguyễn Hà Hải - Phó Giám đốc KBNN Hà Nội cho biết, xác định việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, nên KBNN Hà Nội đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị đủ lượng vốn để kịp thời thanh toán cho các nhà thầu theo đúng chế độ, để bảo đảm vốn thi công công trình.

KBNN Hà Nội cũng đã yêu cầu các kho bạc quận, huyện, thị xã không được để hồ sơ tồn đọng mà không có lý do, bảo đảm giải ngân vốn cho 100% hồ sơ đủ điều kiện thanh toán. “Với khối lượng công việc, số vốn còn phải thanh toán cuối năm rất lớn, vì thế KBNN Hà Nội đã bố trí cán bộ, công chức làm thêm giờ để bảo đảm thanh toán kịp thời” - ông Hải cho biết.

Còn tại Khánh Hòa, để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, KBNN Khánh Hòa đã quán triệt đến toàn thể công chức chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương công vụ; tuân thủ thời gian giải quyết hồ sơ, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư.

Bà Phạm Thị Hồ Lan - Giám đốc KBNN Khánh Hòa cho biết, lấy khách hàng là trung tâm, là đối tượng phục vụ, KBNN Khánh Hòa đã triển khai ứng dụng công nghệ, thống nhất đầu mối, quy trình và số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua kho bạc. Đồng thời, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh giao dịch, kiểm soát trên dịch vụ công trực tuyến để thời gian kiểm soát được rút ngắn và công khai, minh bạch hơn, giúp các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiết kiệm được chi phí đi lại…

Tiến độ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng qua mới đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%). Hiện, các dự án chưa giải ngân, hoặc số vốn đã giải ngân đạt rất thấp còn tương đối nhiều. Đây chính là nguyên nhân kéo tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt thấp.

KBNN Khánh Hòa cũng linh hoạt trong công tác kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư với cơ chế "kiểm soát trước, thanh toán sau" gắn với phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách; việc xử lý và bổ sung những dữ liệu còn thiếu của hồ sơ thanh toán được xử lý vào lần thanh toán kế tiếp. “Vì vậy mà việc thanh toán vốn đã rút ngắn thời gian từ 4 ngày xuống còn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ thanh toán vốn hợp pháp, hợp lệ của chủ đầu tư gửi đến” - bà Lan cho biết.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương có tổng số vốn đầu tư năm 2022 được phê duyệt lớn nhất cả nước, nhưng hiện vẫn đang có tỷ lệ giải ngân thấp. Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi hết năm, một trong những cách làm sáng tạo, linh hoạt đang được thành phố triển khai trong giai đoạn này là điều chuyển, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân cao, cấp bách đối với yêu cầu phát triển. Ở khía cạnh thủ tục hành chính, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các địa phương có liên quan đến dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công phải rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đạt ít nhất 30% so với quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc KBNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh việc nỗ lực thực hiện các giao dịch kiểm soát thanh toán vốn đầu tư trên dịch vụ công trực tuyến giúp cho nguồn vốn đến nhanh được các công trình, KBNN TP. Hồ Chí Minh còn đẩy mạnh kiểm soát, thanh toán nguồn vốn này theo phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”. Phương thức thanh toán này đã góp phần đẩy nhanh việc thanh toán, tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn, giúp tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công. Thời gian kiểm soát thanh toán vốn chỉ còn 1 ngày.

Với các giải pháp đã và đang được các địa phương thực hiện, cùng sự hỗ trợ tích cực từ phía các đơn vị KBNN khi tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công tác giải ngân, có thể thấy các địa phương đã đặt quyết tâm rất cao cho công tác này và đều phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi hết năm ngân sách.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam