Tín dụng xanh: Vượt khó để hiện thực hóa các mục tiêu

Bài cuối: Đề xuất lời giải cho “bài toán khó”

06:37 | 26/12/2022 Print
(TBTCO) - Mặc dù tồn tại không ít khó khăn và gian nan, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ tạo ra động lực to lớn để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và giảm đói nghèo. Chính vì thế, việc xây dựng đồng bộ hệ thống các giải pháp phát triển tín dụng xanh sẽ góp phần khắc phục khó khăn và thực thi hiệu quả các mục tiêu lâu dài. Sau đây là một số ý kiến trao đổi của đại diện nhà quản lý, chuyên gia về giải pháp phát triển tín dụng xanh.
Bài 1: Tín dụng xanh định hướng cho các hoạt động đầu tư Bài 1: Tín dụng xanh định hướng cho các hoạt động đầu tư

Thị trường tín dụng xanh đóng vai trò là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển nền kinh tế xanh, hướng ...

Tín dụng xanh: Thực tế còn nhiều gian nan Tín dụng xanh: Thực tế còn nhiều gian nan

Ý tưởng về tín dụng xanh là một hướng đi đúng được đặt nhiều kỳ vọng là động lực cho mục tiêu phát triển bền ...

Tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng được quan tâm và tăng hạn mức đầu tư. Ảnh minh hoạ
Tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng được quan tâm và tăng hạn mức đầu tư. Ảnh minh hoạ

* Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Cần xây dựng tiêu chí xác định dự án xanh

Bài cuối: Đề xuất lời giải cho “bài toán khó”
Bà Hà Thu Giang

Để hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, việc mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng (TCTD) căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Ngoài ra, tôi cho rằng, Nhà nước cũng cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển...) của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ, nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.

Một trong những giải pháp nên quan tâm thực thi nữa là xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các TCTD được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh.

* TS. Cấn Thị Thu Hương - Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế đầu tư, Học viện Ngân hàng:

Tập trung phát triển mô hình thí điểm ngân hàng xanh

Bài cuối: Đề xuất lời giải cho “bài toán khó”
TS. Cấn Thị Thu Hương

Để có thể đẩy nhanh và hiệu quả hơn nữa hệ thống tài chính xanh nhằm khắc phục và hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế tới môi trường, cải thiện môi trường thông qua xanh hóa nền kinh tế, Việt Nam cần theo đuổi quan điểm và cách tiếp cận từ trên xuống.

Trong giai đoạn đầu phát triển hệ thống tài chính xanh, chúng ta có thể tập trung phát triển mô hình thí điểm ngân hàng xanh, quỹ đầu tư xanh và các doanh nghiệp đầu tư xanh với vai trò là kênh truyền dẫn vốn đến các ngành hỗ trợ chuyển dịch xanh hóa nền kinh tế.

Sau giai đoạn thí điểm, phương án tiếp theo là tiến tới áp dụng toàn diện hệ thống chỉ số đánh giá mức độ xanh hóa của hệ thống tài chính xanh, trước hết là áp dụng từng bộ chỉ số thành phần ở các cấu phần riêng lẻ để đo lường mức độ xanh của hệ thống tài chính trong nền kinh tế.

Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có thể từng bước áp dụng cho các ngân hàng, trung gian tài chính… tiến tới khuyến khích các tổ chức độc lập đánh giá và cung cấp dịch vụ đánh giá chỉ số tài chính xanh và đưa ra quy định bắt buộc doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin này.

* Bà Michele Wee - Chủ tịch Nhóm công tác ngân hàng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam:

Tạo động lực khuyến khích chuyển đổi sang tín dụng xanh

Bài cuối: Đề xuất lời giải cho “bài toán khó”
Bà Michele Wee

Tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng được quan tâm và tăng hạn mức đầu tư, tuy vậy chúng ta đều đồng ý rằng, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh vẫn khá hạn chế và cần được đẩy mạnh hơn.

Nhóm công tác ngân hàng đề xuất 2 khía cạnh quan trọng cơ bản như sau: (1) Một lộ trình nhanh chóng để áp dụng năng lượng xanh; (2) Một khuôn khổ tài chính xanh hợp lý cho các dự án có khả năng vay vốn ngân hàng.

Để làm điều đó, chúng ta cần phát triển các công cụ tài chính chuyển tiếp. Theo đó, các tổ chức sẽ cần nâng cao năng lực quản trị, chính sách và thủ tục của mình để tuân thủ các yêu cầu về tính bền vững của các tổ chức cho vay quốc tế. Ngoài ra, họ cũng cần phải cân nhắc trong suốt vòng đời của một khoản đầu tư hoặc khoản vay, hoặc quy trình bảo lãnh phát hành để xác định nơi có thể đưa thêm các động lực khuyến khích chuyển đổi này.

Chúng tôi cũng khuyến nghị NHNN khuyến khích các tổ chức tài chính tại Việt Nam thiết lập hoạt động công bố thông tin liên quan đến rủi ro khí hậu theo các khuyến nghị của Tổ công tác về Công bố tài chính liên quan đến khí hậu và thực hiện việc thiết lập mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Trong quá trình chuyển đổi, các tổ chức tài chính nên tính đến các yếu tố tác động xã hội trong đánh giá tài chính để đảm bảo quá trình chuyển đổi thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0, được thực hiện theo cách thức bình đẳng và toàn diện cho tất cả các bên liên quan.

* TS. Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng:

Xây dựng khung pháp lý thúc đẩy tiêu dùng xanh

Bài cuối: Đề xuất lời giải cho “bài toán khó”
TS. Bùi Hữu Toàn

Tôi cho rằng, Chính phủ cần tăng cường đối thoại chính sách tài chính xanh để các chính sách xanh đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả cao. Như tại Đức, trong quá trình thực hiện phát triển bền vững, chính phủ nước này đã kêu gọi các đề xuất, đặc biệt trước khi sửa luật và khuyến khích đối thoại với các bên liên quan. Điều này tạo cơ hội cho chính phủ giải thích rõ hơn về các đề xuất giải pháp chính sách, cũng như cho phép các bên liên quan tham gia đóng góp ý tưởng, phản hồi ý kiến với các đề xuất của chính phủ và gợi ý cải thiện chính sách.

Việc đối thoại chính sách giữa Chính phủ và các bên liên quan giúp cải thiện chất lượng hành động chính sách của Chính phủ và gia tăng sự chấp nhận của công chúng đối với các quyết định của Chính phủ.

Bênh cạnh đó, khung pháp lý về tiêu dùng xanh cũng nên xây dựng để tạo ra động lực khuyến khích tiêu dùng và cung ứng sản phẩm xanh. Các chính sách nên hướng tới khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ xanh bằng cách trợ giá hay tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, hướng tới xây dựng và nhân rộng mô hình doanh nghiệp xanh. Qua việc này, tiêu dùng xanh trở thành cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh.

Chí Tín (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam