Ngành Nông nghiệp dự kiến giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 75%

10:43 | 26/12/2022 Print
(TBTCO) - Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện đến từng dự án cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng kết quả giải ngân chưa đạt như kỳ vọng. Dự kiến đến hết năm 2022, toàn ngành giải ngân đạt trên 75% kế hoạch.

Vướng mắc do giải phóng mặt bằng và điều chỉnh chủ trương đầu tư

Năm 2022, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là 6.438 tỷ đồng, gồm vốn trong nước 4.538 tỷ đồng, vốn ODA là 1.900 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn năm 2022 ngay từ đầu năm. Đồng thời, giữa tháng 5/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo danh mục các dự án được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2021 sang năm 2022 và bộ đã thông báo cho các chủ đầu tư để triền khai thực hiện.

Số liệu từ Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tính đến ngày 23/12, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngành Nông nghiệp đạt 66% so với kế hoạch.

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, năm 2022, phần lớn các dự án đầu tư trung hạn 2016 - 2020 đã cơ bản hoàn thành, phần khối lượng còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2022 không nhiều, chủ yếu là công tác hoàn thiện trước khi bàn giao đưa vào sử dụng. Chỉ còn 3 dự án lớn (Krông Pách Thượng, Cánh Tạng, Bản Mồng) đang còn vướng mắc chưa được tháo gỡ. Các dự án mở mới thuộc trung hạn 2021 - 2025 hiện đang trong giai đoạn khảo sát, thiết kế, chuẩn bị kỹ thuật, nên mặc dù khối lượng công việc phải thực hiện rất nhiều, nhưng giá trị giải ngân thấp. Khối lượng giải ngân chủ yếu sau khi các dự án khởi công mới thực hiện được.

Phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của ngành, ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình cho hay, đối với các dự án đang triển khai, chưa được tháo gỡ như hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk, Bộ NN&PTNT đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk, nhưng tiến độ triển khai giải phóng mặt bằng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là việc di dân lòng hồ để chặn dòng, thi công công trình đầu mối. Hồ Cánh Tạng (Hòa Bình), Hồ Bản Mồng (Nghệ An), do vướng về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án. Khi xây dựng kế hoạch năm 2022, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ điều chỉnh xong trong quý II/2022, tuy nhiên đến nay chưa xong thủ tục điều chỉnh, vì không kịp thực hiện giải phóng mặt bằng và chặn dòng trong năm 2022 để thi công giải ngân số vốn dự kiến phân bổ từ đầu năm.

Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (tỉnh Kiên Giang) đã hoàn thành đầu tháng 3/2022. Ảnh: Khánh Linh
Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (tỉnh Kiên Giang) đã hoàn thành đầu tháng 3/2022. Ảnh: Khánh Linh

Đối với các dự án mở mới cũng gặp nhiều vướng mắc. Theo quy định hiện hành, hầu hết các dự án do Bộ NN&PTNT quản lý phải qua 3 giai đoạn thiết kế: lập báo cáo nghiên cứu khả thi; thiết kế kỹ thuật; bản vẽ thi công. Mỗi giai đoạn cần ít nhất 3 tháng để thực hiện, do vậy khối lượng thực hiện 9 tháng năm 2022 chủ yếu là công tác tư vấn, khảo sát thiết kế, dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp, khối lượng giải ngân tập trung vào quý IV/2022 và tháng 1/2023.

Đối với dự án ODA, thủ tục phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư phức tạp, phải lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, mất nhiều thời gian như: Dự án phát triển thủy sản bền vững; Dự án quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt thích ứng biến đổi khí hậu... Hay như Dự án quản lý nước tại Bến Tre chưa triển khai do nhà tài trợ đã hơn 1 năm chưa đồng ý tiêu chí hồ sơ mời sơ tuyển của các gói xây lắp; hơn nữa dự án vượt tổng mức đầu tư do giá thép tăng mạnh so với thời điểm ký hiệp định. Bộ NN&PTNT đang tiếp tục làm việc với nhà tài trợ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản để tháo gỡ...

Thường xuyên rà soát để tháo gỡ vướng mắc

Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Hải Thanh cho biết, trong năm 2022, Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều cuộc họp giao ban trực tuyến toàn ngành về xây dựng cơ bản để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 ngay từ những tháng đầu năm.

Theo đó, bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc bộ, các chủ đầu tư quyết liệt phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra và thống nhất trong cuộc họp để phấn đấu giải ngân cao nhất kế hoạch vốn năm 2022.

Đã phê duyệt 73 dự án mở mới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện nay, đối với các dự án mở mới giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp thực hiện 130 dự án mở mới; đã phê duyệt 73 dự án, dự án thành phần. Các chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 38 dự án, dự án thành phần và khởi công trước 31/12/2022.

Đối với các dự án chuyển tiếp từ trung hạn 2016-20220, ngoài 3 dự án lớn, nhiều khối lượng (Krông Pách Thượng, Cánh Tạng, Bản Mồng) đang còn vướng mắc chưa được tháo gỡ các dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài sang trung hạn 2021 - 2025 đều đạt tiến độ thực hiện, giải ngân theo kế hoạch từ đầu năm. Tất cả các công trình đang thi công đều đảm bảo an toàn, không xảy ra thiệt hại về người và tài sản trong mưa lũ 2022. Các công trình đã cơ bản hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

“Lãnh đạo bộ, tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công của bộ thường xuyên họp giao ban rà soát, đốn đốc tiến độ thực hiện đến từng dự án cụ thể; tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị có liên quan đến thực hiện kế hoạch đầu tư công của bộ. Hàng tháng, bộ tổ chức kiểm điểm tiến độ của từng dự án theo kế hoạch giải ngân; hàng tháng giao ban xây dựng toàn ngành, phê bình chủ đầu tư giải ngân chậm, biểu dương chủ đầu tư đáp ứng tiến độ, làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ vào cuối năm; kiên quyết thay thế chủ đầu tư dự án liên tục không hoàn thành kế hoạch giải ngân đã cam kết…” - ông Thanh chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT kịp thời nhận diện, phân loại các dự án theo từng nhóm, như nhóm tính chất phức tạp về kỹ thuật, phức tạp về giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư… để tập trung các chuyên gia giỏi và phối hợp với các địa phương tìm cách tháo gỡ. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT thúc đẩy tiến độ lập dự án nghiên cứu khả thi các dự án khởi công mới giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên các dự án có khả năng khởi công trong năm 2022; điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên bố trí cho các dự án có khả năng giải ngân cao.

Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% trong năm 2023

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023 sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án; phấn đấu giải ngân trên 95%; tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành trước 30/6/2023 theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, tập trung đôn đốc các dự án được Chính phủ cho phép kéo dài sang 2023 - 2024, trong đó ưu tiên các công trình lớn: hồ Krông Pack Thượng (tỉnh Đắk Lắk), hồ Cánh Tạng (tỉnh Hoà Bình), hồ Bản Mồng (tỉnh Nghệ An) và hồ Sông Chò (tỉnh Khánh Hòa). Cùng với đó, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để đáp ứng yêu cầu khởi công các công trình trong năm 2023, đặc biệt là còn 8 dự án chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn. Bộ cũng tăng cường công tác đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công và an toàn tuyệt đối với các công trình an toàn phòng chống thiên tai, đặc biệt là công trình thủy lợi chặn dòng vượt lũ năm 2023.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục rà soát định kỳ theo tháng, quý để nhận tháo gỡ, đôn đốc kịp thời, đồng thời theo sát tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công từng hợp phần dự án, cũng như chủ động đôn đốc quyết liệt các chủ đầu tư thực hiện giải ngân theo kế hoạch các chủ đầu tư đã cam kết.

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam