Hà Nội trước giờ giãn cách: Không lo khan hàng, tăng giá

22:34 | 18/07/2021 Print
Hiện tại doanh nghiệp tại Hà Nội đã dự trữ tăng từ 30%-50% lượng hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân. Đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp còn bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm.

hang hoa

Bộ Công thương khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung, tránh lây nhiễm dịch bệnh. Ảnh: T.U

Doanh nghiệp dự trữ tăng từ 30% - 50% lượng hàng hóa

Hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng còn đang diễn biến phức tạp. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có công điện số 15/CĐ-UBND về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, từ 0 giờ ngày 19/7, Hà Nội dừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn.

Theo khảo sát của phóng viên, ngay sau khi nhận được thông tin này, tối ngày 18/7, người dân Thủ đô đã đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, khiến lượng hàng hóa ở nhiều siêu thị cạn kiệt.

Trước tình hình đó, Bộ Công thương vừa phát đi thông báo cho biết, Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa dồi dào với mức giá cả ổn định đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 7 tháng đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, ngày 18/7/2021, Sở Công thương Hà Nội đã có buổi làm việc với các hệ thống phân phối trên địa bàn về công tác chuẩn bị hàng hóa phòng chống dịch. Theo báo cáo tại buổi làm việc, hiện tại doanh nghiệp đã dự trữ tăng từ 30%-50% lượng hàng hóa thiết yếu.

Đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm. Đáng chú ý, các doanh nghiệp phân phối sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng.

Bộ Công thương cho biết thêm, hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 của Sở Công thương Hà Nội trong thời gian 03 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng, với 15 mặt hàng thiết yếu và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.

Được biết, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa…phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online

Sở Công thương Hà Nội cho hay đã đề nghị các hệ thống phân phối cần chủ động hơn nữa nắm sát tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của trung ương và thành phố về công tác phòng chống dịch…Thông qua đó có phương án chi tiết thu mua hàng hóa, đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa từ các kho hàng.

Sở Công thương Hà Nội chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ trên địa bàn khẩn trương thực hiện cài đặt ứng dụng AntoanCOVID trên điện thoại thông minh của cán bộ phụ trách từng siêu thị, trung tâm thương mại và chợ, nhằm cung cấp thông tin công khai, cập nhật liên tục hàng ngày về trạng thái an toàn đối với Covid-19 tại các địa điểm công cộng, tiến tới chung sống an toàn với Covid-19.

Đặc biệt quan tâm bố trí nhân lực sắp xếp hàng hóa trên các giá kệ phục vụ nhu cầu của nhân dân, không được thiếu hàng cục bộ, kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; tăng cường kiểm tra kiểm soát hàng hóa không để xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá…

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động và người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K về phòng chống dịch, phân luồng, đảm bảo giãn cách tại các điểm bán, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch cho người lao động, hạn chế tối đa người lao động bị nhiễm dịch để đảm bảo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục cung cấp cho các hệ thống phân phối các doanh nghiệp có nguồn cung thiết yếu của các tỉnh, thành phố và Hà Nội để các doanh nghiệp chủ động kết nối nguồn cung, tăng lượng hàng phục vụ nhân dân; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo lưu thông thuận tiện nhất, giảm chi phí về logictic…

Đáng chú ý, các doanh nghiệp phân phối Hà Nội đang tăng cường đổi mới phương thức phục vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online…để hạn chế tập trung đông người tại hệ thống phân phối.

Không chỉ dừng lại ở đó, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử nhằm kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm, góp phần chung tay đẩy lùi dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường trực tuyến là giải pháp đem lại hiệu quả rất cao.

Đến nay, Hà Nội đã tiếp nhận và chấp thuận cho 14.187 website/ứng dụng thương mại điện tử hoạt động trên địa bàn và sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng mã QR tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam