Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm: Thúc đẩy hiện đại hóa ngành Bảo hiểm xã hội

10:09 | 29/12/2022 Print
(TBTCO) - Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Đây là cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thông tin về y tế, an sinh xã hội.

Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các ngành, lĩnh vực khác

Từ tháng 11/2019, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam là một trong số ít đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện việc kết nối và chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm với CSDL khác qua trục dữ liệu quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông (viết tắt là NGSP nay đổi thành NDXP). Từ 2019 đến nay, đã thực hiện hơn 500 triệu lượt xác thực và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp qua hệ thống trục này.

Theo BHXH Việt Nam, hiện nay, ngành đang tích cực tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu qua trục NDXP. Cụ thể: BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Công an kết nối xác thực và chia sẻ thông tin liên quan đến BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với CSDLQG về dân cư. Đến thời điểm hiện tại BHXH Việt Nam đã xác thực với trên 71 triệu nhân khẩu có trong CSDLQG về BH với CSDLQG về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cung cấp, chia sẻ 62 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDLQG về dân cư. BHXH Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt được tỷ lệ xác thực 100% nhân khẩu có trong CSDL. Đây là tiền đề quan trọng cho việc sử dụng căn cước công dân để đi khám chữa bệnh BHYT và sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho số sổ BHXH, mã thẻ BHYT trong tương lai.

BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết nối, chia sẻ “Nhóm thông tin về người sử dụng lao động”. Hiện BHXH Việt Nam đã kết nối, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH. Từ đầu năm đến nay có hơn 200.000 thông tin doanh nghiệp được liên thông qua hệ thống này, giúp BHXH Việt Nam có thông tin chính xác cho việc đăng ký mới thông tin tham gia BHXH của doanh nghiệp.

Nhân viên y tế quét mã QR qua hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh cho người dân.
Nhân viên y tế quét mã QR qua hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh cho người dân.

BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai tích hợp dịch vụ tiếp dữ liệu khai tử từ CSDL hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT. Từ năm 2019 đến nay, đã có 4,2 triệu trẻ em được cấp thẻ BHYT theo quy trình liên thông tự động với Bộ Tư pháp qua trục tại 100% các tỉnh, thành phố giúp giảm thời gian, chi phí cho người dân và cơ quan nhà nước. Có hơn 1,9 triệu dữ liệu khai tử được chia sẻ cho BHXH Việt Nam để kịp thời cắt chi trả lương hưu, dừng giá trị thẻ BHYT.

BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế làm rõ các thông tin cơ bản về y tế trong các CSDL chuyên ngành của Bộ Y tế để kết nối, chia sẻ với CSDLQG về bảo hiểm. Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thế Mạnh cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan triển khai sớm sổ sức khỏe điện tử để hình thành nên sổ sức khỏe điện tử của mỗi người dân căn cứ trên dữ liệu KCB BHYT hiện nay và dữ liệu KCB dịch vụ được gửi qua cổng tiếp nhận dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam...”.

Nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số ngành Bảo hiểm xã hội

Đánh giá về lợi ích của việc kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu trong CSDLQG về bảo hiểm, ông Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, đây là nền tảng quan trọng trong việc chuyển đổi số ngành để BHXH khai phá và ứng dụng các công nghệ Big Data, AI nhằm mục tiêu trở thành tổ chức an sinh xã hội hiện đại, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Ngành Bảo hiểm xã hội quản lý dữ liệu của trên 98,7 triệu dân và hộ gia đình

Đến thời điểm hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý dữ liệu của trên 98,7 triệu dân và hộ gia đình; kết nối trực tuyến với hơn 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ trực tuyến hàng năm. Toàn bộ dữ liệu và ứng dụng nêu trên được quản lý và lưu trữ tập trung, liên thông, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dự phòng.

Cũng theo người đứng đầu ngành BHXH, đối với các bộ, ngành, địa phương, việc khai thác, sử dụng các thông tin có trong CSDLQG về bảo hiểm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành và các cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp, tổ chức có thể khai thác dữ liệu mở để có thông tin phát triển kinh tế - xã hội. Đối với cá nhân, được quyền trích xuất thông tin của mình trong CSDLQG về bảo hiểm để quản lý, theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN, quá trình hưởng BHXH, BHYT, BHTN và các thông tin liên quan khác để biết và bảo vệ quyền lợi của mình và gia đình. Hiện nay, gần 30 triệu người tham gia hoàn toàn có thể xem thông tin của mình trên ứng dụng VssID-BHXH số.

Ông Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ, dữ liệu trích xuất được ký số của BHXH Việt Nam có giá trị như văn bản giấy xác nhận của BHXH Việt Nam. Cơ quan, tổ chức không được yêu cầu cá nhân cung cấp các giấy tờ liên quan nếu đã khai thác được thông tin của cá nhân từ CSDLQG về bảo hiểm. Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai xong về mặt kỹ thuật bản điện tử sổ BHXH, thẻ BHYT và có thể triển khai ngay trong quý I/2023. Đây là một tiền đề quan trọng để cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân.

Quang Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam