Kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong tháng 1/2023

15:06 | 31/12/2022 Print
(TBTCO) - Thị trường chứng khoán Việt Nam nếu nhìn vào số liệu lịch sử trong 15 năm qua thì tháng 1 có mức tăng bình quân cao nhất so với các tháng còn lại. Theo đó, ở góc độ thống kê, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường trong tháng 1/2023. Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Lý Thu Ngà - Chuyên gia cao cấp phân tích chiến lược Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI.

PV: Thưa bà, thị trường chứng khoán năm 2022 vừa trải qua một năm với rất nhiều biến động. Bà đánh giá, nhận xét gì về thị trường chứng khoán trong năm qua?

Kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong tháng 1/2023
Bà Nguyễn Lý Thu Ngà

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Năm 2022 thật sự là một năm rất nhiều biến động và khó khăn với thị trường chứng khoán toàn cầu và cả Việt Nam. Đỉnh của chỉ số VN-Index là 1.536,45 điểm thiết lập trong tháng 1/2022 và đáy 873,78 điểm thiết lập trong tháng 11/2022. Các đợt điều chỉnh mạnh tập trung vào quý II và tháng 9, tháng 10 trong năm. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số VN-Index đã giảm 32,2% điểm số trong năm 2022 và là năm sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sau năm 2008.

Biến động mạnh đến từ bên ngoài và cả các yếu tố từ nội tại. Cụ thể, xung đột Nga - Ukraine khiến giá hàng hóa tăng vọt, các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn kỳ vọng và rủi ro suy thoái ngày càng lớn dần khiến tâm lý đầu tư chuyển sang thận trọng. Trong nước, động thái của Chính phủ trong việc lành mạnh hóa thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) và bất động sản khiến dòng tiền đầu cơ biến động và kéo theo hoạt động bán giải chấp rất mạnh từ các công ty chứng khoán. Trong khi đó, một phần dòng tiền cũng đã quay lại sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

PV: Nhìn về hiện tại, thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co với thanh khoản yếu. Bà có thể lý giải gì về thực trạng này?

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Giằng co với thanh khoản yếu là một trạng thái lưỡng lự về xu hướng khi thị trường đón nhận các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen.

Một mặt thị trường phải đối diện với các rủi ro ngắn hạn, như khó khăn đến từ sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất, rủi ro thanh khoản hệ thống khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn cao dần về cuối năm và lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt;… hay như kết quả kinh doanh quý IV có thể suy yếu trước tác động của lạm phát và lãi suất.

Kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong tháng 1/2023

Thị trường chứng khoán thường khởi sắc hơn vào tháng 1 hàng năm. Ảnh: Duy Dũng

Mặt khác, thị trường vẫn được kỳ vọng khi Chính phủ đang có những động thái cụ thể hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn. Ngoài ra, xu hướng lãi suất tiền gửi tăng cao cũng cạnh tranh một phần dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

PV: Chỉ còn gần 1 tháng nữa là thị trường bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Liệu chúng ta có hy vọng gì cho “hiệu ứng tháng Giêng” hay không thưa bà? Đâu là yếu tố có thể kỳ vọng?

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Thị trường chứng khoán thường có xu hướng tăng trong tháng Giêng (tháng 1). Riêng thị trường chứng khoán Việt Nam nếu nhìn vào số liệu lịch sử trong 15 năm qua, thì tháng 1 có mức tăng bình quân cao nhất so với các tháng còn lại. Theo đó, ở góc độ thống kê, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường trong tháng 1/2023.

Nguyên nhân kỳ vọng có thể đến từ yếu tố thúc đẩy từ dòng vốn ngoại khi các quỹ đầu tư nước ngoài thường có xu hướng giải ngân vào đầu năm, đặc biệt là các quỹ ETF. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại có thể khơi thông một số hoạt động kinh tế và du lịch.

PV: Nhìn xa hơn về năm 2023, bà có dự báo gì về thị trường. Đâu là các yếu tố sẽ tác động tới thị trường năm tới?

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Sang năm 2023, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến vẫn đối diện nhiều thách thức hơn như: mức lạm phát dự kiến sẽ đạt đỉnh, lượng trái phiếu đến hạn vào năm 2023 cũng đạt mức cao nhất,… Bên cạnh đó, có rủi ro suy thoái trên toàn cầu và nhu cầu tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát. Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phản ánh hết các thách thức và rủi ro kể trên.

Tận dụng biến động để chọn cổ phiếu cho mục tiêu dài hạn

Với bối cảnh thị trường hiện nay, chọn lọc cổ phiếu là việc quan trọng hàng đầu. Nhà đầu tư nên nhìn vào bức tranh lớn để tận dụng biến động trong giai đoạn này cho mục tiêu đầu tư dài dạn hơn.

Như đã đề cập, các động thái từ Chính phủ gỡ khó cho thị trường vốn và động lực từ dòng vốn ngoại có thể vẫn là yếu tố thúc đẩy thị trường. Tuy nhiên, biến động của thị trường chứng khoán cũng sẽ rất mạnh trong bối cảnh thanh khoản hệ thống thấp, thị trường bất động sản gặp khó khăn, áp lực lãi suất và năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

PV: Trong bối cảnh thị trường đang rất khó đầu tư như hiện nay, bà có khuyến nghị gì đối với nhà đầu tư?

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Với bối cảnh thị trường hiện nay, chọn lọc cổ phiếu là việc quan trọng hàng đầu. Nhà đầu tư nên nhìn vào bức tranh lớn để tận dụng biến động trong giai đoạn này cho mục tiêu đầu tư dài dạn hơn. Các công ty được quản trị chuyên nghiệp, nợ thấp, dòng tiền tốt là những ứng viên hàng đầu có thể vượt qua môi trường kinh tế suy yếu và giành lợi thế tăng trưởng mạnh hơn sau đó.

PV: Xin cảm ơn bà!

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam