Trình Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách

12:55 | 05/01/2023 Print
(TBTCO) - Sáng 5/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Chính phủ, đã trình bày tại Quốc hội tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Quốc hội quyết định bội chi năm 2023 là 4,42% GDP 15 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại Trình Quốc hội điều chuyển hơn 2.268 tỷ đồng kinh phí của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan

15 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại

Về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/8/2022, có 14 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, 1 địa phương đề nghị trả nợ trước hạn dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định.

Do tổng số dự toán vay lại các địa phương không sử dụng hết và số đề nghị trả nợ trước hạn là lớn hơn số đề nghị tăng vay lại của các địa phương, nên việc điều chỉnh số vay, trả nợ năm 2022 của các địa phương như trên không làm tăng tổng mức vay và mức bội chi của ngân sách địa phương so với hạn mức đã được Quốc hội cho phép.

Để tạo điều kiện cho các địa phương sử dụng được tối đa nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2022 của 7 địa phương thêm 226 tỷ đồng. Cụ thể: Bắc Kạn tăng 33,7 tỷ đồng, Phú Thọ tăng 7,3 tỷ đồng, Yên Bái tăng 55,7 tỷ đồng, Hải Dương tăng 83,8 tỷ đồng, TP. Hải Phòng tăng 20,2 tỷ đồng, Nam Định tăng 22,1 tỷ đồng, Bắc Giang tăng 3,2 tỷ đồng. Tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn thêm 33,7 tỷ đồng để tỉnh có căn cứ thực hiện trả nợ trước hạn. UBND tỉnh Bắc Kạn bố trí nguồn trả nợ trước hạn phù hợp với quy định.

Đồng thời, chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022, với tổng mức giảm là 1.547,8 tỷ đồng để đảm bảo kế hoạch vay lại vốn vay nước ngoài và mức bội chi năm 2022 không vượt mức Quốc hội đã phê duyệt. Giao UBND 7 tỉnh, thành phố được điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại năm 2022 nêu trên cam kết giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán để tránh lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp

Về nội dung bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài, theo tờ trình, thực hiện quy định của Luật NSNN, trên cơ sở ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, để có cơ sở hạch toán đầy đủ và quyết toán số vốn viện trợ đã tiếp nhận và sử dụng vào NSNN, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự toán NSNN thu viện trợ và dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên) số tiền 14.713,5 tỷ đồng, trong đó phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ cho phòng chống dịch Covid-19 là 11.360,4 tỷ đồng; phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ khác là 3.353,1 tỷ đồng.

Giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư cho Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan

Đối với việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan không đảm bảo và theo tỷ lệ quy định 10% (số đã giao cho Tổng cục Thuế chỉ đạt 2,4%, Tổng cục Hải quan chỉ đạt 7,1% số kinh phí được hưởng theo cơ chế), nên các dự án đầu tư xây dựng của 2 cơ quan này không có nguồn triển khai, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thu NSNN.

Hiện nay, nhu cầu vốn để bố trí cho các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp và các dự án cần thiết, cấp bách của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trong giai đoạn 2021 - 2025 là rất lớn. Nhu cầu vốn cho các dự án hoàn thành và chuyển tiếp khoảng 2.000 tỷ đồng. Đây là các dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nhưng chưa được cân đối bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn NSNN để thực hiện.

Trình Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 2

Trong điều kiện khó khăn về thu xếp, bố trí vốn cho các dự án đầu tư xây dựng của 2 tổng cục; để có nguồn thanh toán giá trị khối lượng đã hoàn thành cho nhà thầu và có nguồn vốn để tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp, tránh dở dang và phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; đồng thời, thực hiện chủ trương chung về giảm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển theo các nghị quyết của Quốc hội; căn cứ khoản 8 Điều 19 Luật NSNN, Chính phủ trình Quốc hội: giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính số tiền 2.268,3 tỷ đồng (trong đó của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng) và tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính (trong đó Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng). Đồng thời, cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024./.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam