Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường tiền tệ hoạt động ổn định, hiệu quả

18:26 | 08/01/2023 Print
(TBTCO) - Từ tháng 1/2023, Nghị định số 102/2022/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức có hiệu lực. Đây cũng là một trong những yếu tố cơ bản hỗ trợ cho việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản luật liên quan khác và điều hành thị trường tiền tệ ổn định, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hoàn thiện khung pháp lý

Nghị định 102/2022/NĐ-CP là một trong những văn bản quan trọng liên quan đến hoạt động tiền tệ - ngân hàng được ban hành cuối năm 2022 và sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực này trong năm 2023, khi nghị định chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2023.

Theo Nghị định 102, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của NHNN. Một trong những điểm mới của Nghị định 102 là việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức của cơ quan này với việc thêm Cục Quản lý dự trữ nhà nước. Trong khi đó, bộ máy tổ chức của NHNN thời gian tới sẽ không còn Vụ Thi đua - Khen thưởng và Trường Bồi dưỡng ngân hàng.

Ngân hàng nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi để bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh.
Ngân hàng nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi để bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh.

Bên cạnh đó, Nghị định 102 cũng đặt ra yêu cầu về nhiệm vụ đối với NHNN là xây dựng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để trình Chính phủ. Với nhiệm vụ này, việc thực thi chỉ tiêu kiểm soát lạm phát của NHNN vẫn sẽ được cộng đồng đặc biệt quan tâm, vì để thực hiện nhiệm vụ này, quan điểm thực thi các công cụ của chính sách tiền tệ sẽ liên quan trực tiếp đến tình hình lạm phát.

Trong khi đó, việc điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ quốc gia vẫn là những hoạt động cụ thể được Chính phủ giao cho NHNN, bao gồm: tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, phát hành tín phiếu NHNN và các công cụ, biện pháp khác để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Ngoài ra, NHNN cũng phải thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Đây cũng là một trong những nội dung đang được xã hội quan tâm, đặc biệt từ khi Luật Phòng, chống rửa tiền đã được thông qua trong năm 2022 và sẽ có hiệu lực từ năm 2023. Hiện tại, NHNN cũng đang soạn thảo các văn bản hướng dẫn gồm nghị định của Chính phủ và thông tư của NHNN quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

Những ý nghĩa tại thời điểm sang năm mới

Việc Nghị định 102 chính thức có hiệu lực đúng thời điểm chuyển giao sang năm mới 2023 mang ý nghĩa khá quan trọng, bởi đây là giai đoạn rất được cộng đồng quan tâm sau thời kỳ thị trường tiền tệ cả trong nước và quốc tế có khá nhiều biến động năm 2022. Đây cũng là một văn bản pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp lý liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Dự kiến trong năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.

Đảm bảo an toàn hệ thống là nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng năm 2023

Nói về công tác điều hành chính sách tiền tệ và kiến nghị chính sách năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn. Chính sách tiền tệ theo đó ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo an toàn hệ thống, bởi vậy xét từ góc độ tổng thể nền kinh tế, các chính sách kinh tế cần có sự cân đối và phối hợp đồng bộ.

Trong nội dung chỉ đạo các hoạt động trọng yếu ngành Ngân hàng trước thềm năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cho biết, NHNN cần chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế về tiền tệ và ngân hàng bảo đảm tiến độ và chất lượng. Đó là việc trình Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật các TCTD (sửa đổi). Định hướng xây dựng luật là phải bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, minh bạch hóa thị trường, chống sở hữu chéo, lợi ích nhóm để phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm và phòng ngừa rủi ro của các TCTD một cách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh theo đúng quy luật của thị trường.

Theo đó, đây cũng là một trong những giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu cao nhất với ngành Ngân hàng trong năm 2023 và tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; bảo đảm công khai, minh bạch, phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, bảo đảm quyền và và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể liên quan; bảo đảm thanh khoản thông suốt của hệ thống ngân hàng trong bất cứ tình huống nào...

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam