Xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế

10:52 | 09/01/2023 Print
(TBTCO) - Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2023 dự báo nền kinh tế sẽ có không ít khó khăn do một số khu vực kinh tế lớn trên thế giới có nguy cơ suy thoái và tác động tới Việt Nam, vì vậy Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục bám sát các diễn biến trên thị trường, kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ thuận lợi cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp.

PV: Những kết quả trong năm 2022 cho thấy một “bức tranh” kinh tế - ngân sách với nhiều gam màu sáng. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của ngành Tài chính đóng góp vào thành công chung của đất nước trong năm qua?

Xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế
TS. Đinh Trọng Thịnh

TS. Đinh Trọng Thịnh: Kinh tế Việt Nam 2022 gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, sự khắc nghiệt của thiên tai, sự đứt gẫy của các chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao trên toàn cầu cùng với sự suy giảm của nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15% và là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao trong khu vực và trên thế giới với mức lạm phát thấp. Có thể nói đây là một thành công lớn trong điều hành của chúng ta.

Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, vừa đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng thu về cho ngân sách, vừa hỗ trợ thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp với số tiền rất lớn, lớn nhất so với nhiều năm trở lại đây.

Thu ngân sách tăng, vượt so với dự toán ở mức cao, ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021. Con số này thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính, đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng thu ngân sách mà không ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp, như thu từ chuyển nhượng bất động sản, thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, chuyển đổi số... Đây là điều rất đáng khích lệ.

Đáng chú ý, thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh đều vượt dự toán cho thấy, các chính sách đã đi đúng hướng, kinh tế tăng trưởng trở lại, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và đóng góp cho ngân sách. Cơ cấu thu đã chuyển biến tích cực. Thu nội địa đã tăng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước, đó là điều chúng ta mong muốn.

Nhờ có thu ngân sách tăng cao, chúng ta đã bố trí đủ các nhiệm vụ chi trong dự toán và các khoản chi cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chi an sinh xã hội, chi cho con người và các khoản cấp bách phát sinh.

Xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Cùng với sự đóng góp cho tăng trưởng, phải kể đến việc điều hành lạm phát thành công trong năm qua. Việc duy trì lạm phát thấp, 3,15% là mức thấp so với mục tiêu dưới 4% Quốc hội đề ra và thấp hơn nhiều so với thế giới, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó có vai trò điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và Trưởng Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo là vai trò của Bộ Tài chính.

Tôi cho rằng, đó chính là những kết quả rất đáng khích lệ, đáng khen đối với các nhà quản lý.

PV: Kết quả tích cực năm 2022 cũng không làm vơi bớt mối lo về khó khăn trong năm nay. Theo ông, đâu là những thách thức cũng như triển vọng kinh tế trong năm 2023?

TS. Đinh Trọng Thịnh: Trong năm 2023, cùng với sự tháo gỡ khó khăn, những chính sách về hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Quốc hội, Chính phủ, sự quyết tâm vượt khó của các doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng và phát triển một cách tốt nhất.

Để đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2023 cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định đồng tiền Việt Nam, từ đó giảm được lạm phát cơ bản, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các nhân tố lớn sẽ có tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, gồm cả các nhân tố khách quan và chủ quan.

Theo tôi, năm 2023 lạm phát của nền kinh tế thế giới dù có xu hướng hạ nhiệt nhưng vẫn dự báo ở mức cao khoảng 6,5%, từ đó tác động rất lớn đến tới giá cả hàng hóa và tình hình lạm phát trong năm 2023 của Việt Nam. Bởi Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa sâu rộng và toàn diện với thế giới và có gần 40% nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới, nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.

Tuy nhiên, một số nhân tố có thể hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng năm 2023 của nền kinh tế Việt Nam cũng có thể thấy rõ. Đó là chúng ta sẽ tiếp tục thích ứng với các biến động; lãi suất huy động và lãi suất cho vay có xu hướng tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp cung ứng vốn giá rẻ với thời gian tương đối dài cho các ngân hàng thương mại, các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Bên cạnh đó, tỷ giá VNĐ tiếp tục ổn định; Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu với mức thuế ưu đãi…, là những yếu tố thuận lợi trong điều hành kinh tế vĩ mô năm nay.

Nếu tình hình thế giới được cải thiện hoặc ổn định; giá xăng dầu, nguyên vật liệu ổn định, kinh tế thế giới phục hồi tốt, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các cơ hội, Quốc hội và Chính phủ có các biện pháp chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt và thích hợp, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,8% - 7,5%.

PV: Đối với ngành Tài chính, việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong năm 2023 dự báo không hề dễ dàng. Có rất nhiều vấn đề đặt ra, như: doanh nghiệp còn nhiều khó khăn sẽ kéo theo nguồn thu ngân sách có thể sụt giảm; việc giãn, giảm thuế, phí, lệ phí không thể kéo dài; lạm phát dự báo tăng… Ông nhận định về những thách thức này ra sao?

TS. Đinh Trọng Thịnh: Năm 2023 dự báo nền kinh tế sẽ có không ít khó khăn do một số khu vực kinh tế lớn trên thế giới có nguy cơ suy thoái và tác động tới Việt Nam. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục bám sát các diễn biến trên thị trường để kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ thuận lợi cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp.

Thúc đẩy giải ngân để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế

Một giải pháp quan trọng, đó là cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ tháng đầu, quý đầu năm 2023, bởi trong năm nay vốn đầu tư công cần giải ngân là rất lớn. Đây là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong năm 2023, khi số vốn đầu tư công kế hoạch giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng, cùng với vốn đầu tư từ Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tôi, cần tiếp tục giữ vững ổn định giá trị VND, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp, góp phần làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân.

Đối với Bộ Tài chính, cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách, ổn định cơ cấu tổ chức, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo dựng niềm tin để phục hồi sự tăng trưởng và phát triển của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giúp nền kinh tế có kênh huy động vốn trung và dài hạn ổn định, công khai, minh bạch, giúp nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kết quả thu ngân sách đã khẳng định, chính sách hỗ trợ đi đúng hướng

Kết quả thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh đều vượt dự toán cho thấy, các chính sách đã đi đúng hướng, kinh tế tăng trưởng trở lại, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và đóng góp cho ngân sách. Cơ cấu thu đã chuyển biến tích cực. Thu nội địa đã tăng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước, đó là điều chúng ta mong muốn.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam