DATC hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu năm 2022

13:12 | 02/03/2023 Print
(TBTCO) - Năm 2022, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch do Bộ Tài chính giao. Các hoạt động trọng tâm của DATC trên các lĩnh vực mua, bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư, thoái vốn và các công tác khác đã được công ty chủ động bám sát tình hình, phấn đấu cao nhất để đạt kết quả xuất sắc trong năm 2022.

Nộp ngân sách đạt 285 tỷ đồng, bằng 171% so với năm 2021

Ngày 6/1, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Theo báo cáo được Phó Tổng giám đốc DATC Chu Ngọc Lâm trình bày tại hội nghị, mặc dù bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao vượt khó, dưới sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính và các cơ quan chuyên môn thuộc bộ, tập thể lãnh đạo và người lao động DATC đã khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh và nhiệm vụ công tác được Bộ Tài chính giao.

Cụ thể, năm 2022 công ty đạt tổng doanh thu 1.873 tỷ đồng, bằng 113% kế hoạch (Bộ Tài chính giao), tăng 25% (so với thực hiện năm 2021). Lợi nhuận trước thuế 330 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, tăng 47%. Nộp ngân sách nhà nước 285 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch, tăng 71%. Với kết quả này, năm 2022, công ty hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, đủ điều kiện được đánh giá xếp loại A.

DATC hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu năm 2022
Lãnh đạo, cán bộ công ty DATC đón nhận Bằng khen, Kỷ niệm chương tại hội nghị.

Bên cạnh đó, bám sát các nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao, DATC đã tiếp tục chủ động, kịp thời triển khai các nhiệm vụ liên quan tới tái cơ cấu nợ của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC); tiếp tục triển khai phương án xử lý nợ tại Vinalines và các đơn vị thành viên, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Công ty cổ phần Thực phẩm miền Bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, theo nghị quyết đã phê duyệt. Qua đó, DATC đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, từng bước phục hồi hoạt động của các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt gắn với việc thu hồi các khoản nợ của Chính phủ.

Công ty đã tích cực phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện dự thảo trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BTC ngày 9/2/2022 hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thông tư số 05/2022/TT-BTC ngày 8/2/2022 hướng dẫn tái cơ cấu DN không đủ điều kiện cổ phần hóa và chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; báo cáo Bộ Tài chính Đề án tái cơ cấu DATC giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2035; đồng thời tiếp tục xây dựng các quy trình, quy chế nội bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động của công ty.

Mua, xử lý 5.063 tỷ đồng nợ xấu từ ngân hàng, doanh nghiệp

Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến đều nhất trí để đạt được các kết quả này, trước tiên là từ sự nhịp nhàng trong công tác quản trị, điều hành của ban lãnh đạo công ty; là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quyết liệt trên mọi mặt hoạt động và sau đó là sự phấn đấu, quyết tâm của tất cả cán bộ DATC, nhất là lực lượng làm công tác mua bán nợ tại hội sở chính và các chi nhánh, trung tâm.

Đơn cử như trong mua, bán nợ và tài sản - hoạt động kinh doanh trọng tâm của DATC, dự báo trước được những diễn biến khó khăn của năm 2022 nên ngay từ đầu năm, lãnh đạo công ty đã tập trung chỉ đạo, điều hành, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt về mua bán xử lý nợ phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế thanh toán nợ của khách nợ và để phù hợp với thực tế xử lý nợ, giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty đã có sự thay đổi linh hoạt các phương thức mua và xử lý nợ thay vì tập trung vào phương thức mua nợ - bán nợ như trước đây mà đã chuyển dần sang mua nợ - thu nợ, mua nợ tái cơ cấu doanh nghiệp...

Đóng góp tích cực vào thành tích chung của ngành Tài chính

Năm 2022, DATC đạt tổng doanh thu 1.873 tỷ đồng, bằng 113% kế hoạch (Bộ Tài chính giao), tăng 25% (so với thực hiện năm 2021). Lợi nhuận trước thuế 330 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, tăng 47%. Nộp ngân sách nhà nước 285 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch, tăng 71%. Với kết quả này, năm 2022, công ty hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, đủ điều kiện được đánh giá xếp loại A.

Sự linh hoạt trong các phương thức xử lý nợ, kết hợp với việc xem xét lựa chọn chất lượng khoản nợ ngay từ khâu khảo sát, đánh giá khi xây dựng phương án đã giúp các đơn vị trong toàn công ty thực hiện thành công 18 phương án mua và xử lý nợ mới, trong đó có nhiều phương án có giá trị khoản nợ lớn, doanh số mua nợ cao (so với năm 2021 chỉ thành công 8 phương án mua mới).

Kết quả năm 2022, DATC đã ký hợp đồng mua và xử lý khoảng 5.063 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 1.710 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch (bằng 128% so với thực hiện năm 2021); đồng thời có một số phương án lớn đang thực hiện dở dang gối đầu cho năm sau.

Song song với việc áp dụng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để mua, xử lý nợ, lãnh đạo công ty đã có định hướng giải pháp đồng bộ, hỗ trợ hoạt động mua, bán nợ/tài sản qua công tác phát triển thị trường. Theo Phó Tổng giám đốc Chu Ngọc Lâm, một trong những điểm sáng của năm qua là đã thành lập Ban Kế hoạch thị trường. Việc tổ chức một đầu mối tiếp nhận này đã giúp DATC từ vị thế bị động sang chủ động trong công tác thị trường. Điều này đã giúp cho DATC có nguồn hàng lớn, đồng thời tránh được sự chồng chéo trong tiếp cận, khảo sát các khoản nợ từ các đơn vị tiết giảm chi phí tiếp cận cả về thời gian và vật chất cho công ty trong công tác thị trường.

Bên cạnh đó, công tác kế hoạch đã dần được cải thiện và nâng cao như việc xây dựng kế hoạch chi tiết trong công việc cho từng đơn vị và nắm bắt các cơ hội đầu tư tài chính đúng nhịp với thị trường.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của DATC

Bước sang năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức trong khi thị trường mua bán nợ ngày càng có nhiều sự cạnh tranh gay gắt. Để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được Bộ, Chính phủ giao và kế hoạch 2023, bên cạnh việc nỗ lực, chủ động, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao, DATC cũng đề xuất Bộ Tài chính và các cục/vụ liên quan của Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công ty ổn định và phát triển.

Trong đó, đặc biệt là sớm ban hành quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DATC giai đoạn 2021 - 2025; Đề án chiến lược phát triển của công ty giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 để DATC có định hướng phát triển hoạt động; sớm thành lập văn phòng đại diện tại một số địa bàn trọng điểm (TP. Hồ Chí Minh, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ).

Đồng thời, DATC đề nghị sớm được chấp thuận và đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 129/2020/NĐ-CP về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của DATC trong giai đoạn tới.

Một vấn đề quan trọng nữa là có giải pháp để tháo gỡ những bất cập cho DATC khi tham gia thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tái cơ cấu về tài chính cho SBIC; hỗ trợ và chỉ dẫn DATC các công việc phát sinh khi xử lý số trái phiếu DATC trong nước giai đoạn 1 và gối phiếu DATC đến hạn.

DATC cũng đề nghị được Bộ Tài chính phê duyệt việc bổ sung đủ vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cho phép DATC nghiên cứu và báo cáo Đề án tăng vốn để đủ nguồn lực hoạt động trong thời kỳ mới.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam