Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số

11:14 | 11/01/2023 Print
(TBTCO) - Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, bắt buộc để đổi mới căn bản phương thức hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội, góp phần xây dựng thành công chính phủ số. Xác định rõ điều này, trên cơ sở nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của ngành với mục tiêu là phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Nhiều thay đổi mang tính “bước ngoặt”

Ông Lê Nguyên Bồng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, năm 2022, công tác chuyển đổi số của ngành tiếp tục có những bước tiến vững chắc, đặc biệt là trong việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đã và đang mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của ngành. Điều này góp phần kiến tạo và xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội.

Trong năm qua, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai, vận hành hệ thống CNTT của ngành theo định hướng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp BHTN).

Gian trưng bày ứng dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: BHXH Việt Nam
Gian trưng bày ứng dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: BHXH Việt Nam

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hiện toàn ngành đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành. Ngành đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu (CSDL) của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh; có khoảng trên 620 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc. Hệ thống giao dịch BHXH điện tử và Hệ thống thông tin giám định BHYT hàng năm tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến. BHXH Việt Nam cũng đã kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu với các CSDL quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, đến nay đã thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương… Đây là những tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường số; là nền tảng trong việc chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ Big Data, AI nhằm mục tiêu trở thành tổ chức an sinh xã hội hiện đại của ngành.

BHXH Việt Nam cũng đã triển khai xây dựng Kiến trúc chính phủ điện tử ngành BHXH Việt Nam phiên bản 2.0; thường xuyên hoàn thiện, nâng cấp, cập nhật, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ của ngành để đáp ứng việc thay đổi, điều chỉnh chế độ, chính sách của Nhà nước và yêu cầu quản lý; đồng thời, tăng cường phân tích, rà soát, đối soát trên các CSDL của ngành để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sai sót trong việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT.

Người tham gia, thụ hưởng chính sách là trung tâm của chuyển đổi số

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khi các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan BHXH được thực hiện trên môi trường số đã giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH...

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Quyết định số 942/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đánh giá mục tiêu đến năm 2025, BHXH Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Nhận thức rõ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay tác động rất lớn đến các mặt công tác của ngành, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, thời gian tới, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm; hướng tới mục tiêu hoàn thiện ngành BHXH Việt Nam số, đem lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Khoảng 35 triệu tài khoản đăng ký, phê duyệt sử dụng ứng dụng VssID

Nhằm phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được tốt hơn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới và triển khai rộng rãi ứng dụng “VssID-BHXH số”. Ước đến ngày 31/12/2022, toàn quốc có 35 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt sử dụng ứng dụng VssID.

Cụ thể, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam đang nghiên cứu, đánh giá hạ tầng CNTT, hệ thống phần mềm nghiệp vụ, CSDL của ngành BHXH Việt Nam để đầu tư trang bị, trong đó hướng đến mục tiêu là xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm như một CSDL tham chiếu chung (Master data) cho tất cả các hệ thống phần mềm nghiệp vụ trong ngành BHXH Việt Nam khai thác. Đồng thời, CSDL này cũng là nơi cung cấp cho các bộ, ngành, các tổ chức (qua nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia NDXP do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng). Ngoài ra, tiếp tục làm giàu, hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm và đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ để phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng việc chia sẻ dữ liệu cho tổ chức, cá nhân theo các quy định. Đặc biệt tập trung vào chia sẻ dữ liệu mở để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Quang Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam