Đo lường các yếu tố tác động tỷ giá

11:35 | 13/01/2023 Print
(TBTCO) - Đầu năm 2023, diễn biến tỷ giá đã có trạng thái khá ổn định, nhưng tình hình kinh tế tài chính trong và ngoài nước vẫn có thể có những diễn biến khó lường. Do vậy, giới kinh doanh vẫn tiếp tục quan tâm đến những yếu tố có thể tác động lên tỷ giá trong giai đoạn tới.

Tỷ giá tăng 3,5% trong năm 2022

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tỷ giá của đồng Việt Nam so với USD tính đến 31/12/2022 chỉ tăng 3,5% so với đầu năm. Đây là một diễn biến khá êm ả so với giai đoạn sóng gió của tỷ giá đồng Việt Nam (VND/USD), đỉnh điểm vào giai đoạn tháng 10/2022 khi có thời điểm tỷ giá VND/USD đã tăng tới 9% so với đầu năm.

Thời điểm đó, áp lực tỷ giá gia tăng mạnh do ảnh hưởng từ việc điều chỉnh mạnh lãi suất liên tục của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Theo đó, đồng USD lên giá mạnh trên thị trường tài chính quốc tế, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Trong bối cảnh này, NHNN đã 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành, tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng với tổng mức tăng 0,8-2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10/2022). Theo phân tích của ông Phùng Trung Kiên - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán AIS, động thái tăng lãi suất của NHNN thời điểm đó chủ yếu là do sức ép tỷ giá, theo đó, lãi suất đồng Việt Nam tăng được kỳ vọng có thể giúp cho đồng VND sẽ không tiếp tục mất giá so với USD như trong giai đoạn trước.

Tỷ giá của đồng Việt Nam so với USD tính đến 31/12/2022 chỉ tăng 3,5% so với đầu năm.
Tỷ giá của đồng Việt Nam so với USD tính đến 31/12/2022 chỉ tăng 3,5% so với đầu năm.

Về phía NHNN, cơ quan này cũng cho biết, việc tăng lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống. Đồng thời, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Đến cuối năm 2022, diễn biến tỷ giá đã có phần dịu dần, một phần nhờ sự hỗ trợ bởi các thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô. Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 xuất siêu 11,2 tỷ USD, đây là mức xuất siêu lớn hơn rất nhiều so với kết quả 3,32 tỷ USD trong năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Những yếu tố sẽ tác động tỷ giá năm 2023

Theo đánh giá của NHNN, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế vừa mới nhận định, 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm 2023 khó khăn hơn. Trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao, trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.

Vừa qua, Ngân hàng Standard Chartered đưa ra một số dự báo về diễn biến của tỷ giá trong năm 2023 khi cho biết, đồng VND đã phục hồi mạnh trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của VND có thể sẽ chậm lại do ảnh hưởng của nhiều khó khăn còn hiện hữu. Việc bổ sung dự trữ ngoại hối có thể sẽ là ưu tiên chính của NHNN.

Du lịch được kỳ vọng là một trong những yếu tố hỗ trợ tỷ giá

Năm 2023, ngành Du lịch đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian lưu trú với khách quốc tế lên 30 ngày và xem xét thí điểm cấp thị thực tại cửa khẩu.

Cùng với đó, các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của Việt Nam, như biển đảo, văn hóa, sinh thái... sẽ được tập trung làm mới; đồng thời xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu chuyên biệt của một số nhóm khách tiềm năng theo đạo Hồi, đạo Hindu, khách ăn chay…

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered, cán cân thương mại có thể được cải thiện, nhưng xuất khẩu vẫn có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu và nhập khẩu có nguy cơ giảm. Sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi du lịch có thể sẽ hỗ trợ cho VND và tỷ giá VND/USD được dự báo đạt 23.400 vào cuối năm 2023 và 23.000 vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, lạm phát được dự đoán sẽ tăng trong suốt cả năm 2023 có thể sẽ vẫn là yếu tố đáng lưu tâm trong năm 2022. Nếu lạm phát gia tăng thì có thể NHNN sẽ lại phải cân nhắc tới việc tăng lãi suất điều hành trong năm 2023 để giữ ổn định giá trị đồng VND. Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đánh giá rằng, NHNN có thể sẽ ưu tiên giữ ổn định đồng VND, miễn là nó không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thương mại.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam