Agribank: Triển khai hiệu quả chính sách tín dụng về nông nghiệp

11:34 | 13/01/2023 Print
(TBTCO) - Gắn với sứ mệnh “Tam nông” ngay từ những ngày đầu thành lập, năm 2022 tiếp tục ghi dấu sự nỗ lực, quyết tâm, thành công của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) trong hành trình gần 35 năm xây dựng và phát triển, khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính, nhất là nông nghiệp, nông thôn, là “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước. Với trên 65% dư nợ đầu tư “Tam nông”, nguồn vốn Agribank chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.

Đưa nghị quyết về “Tam nông” đi vào cuộc sống

Hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về “Tam nông” ngay từ đầu đã được xác định là mục tiêu tiên quyết; do vậy Agribank luôn chủ động là đơn vị tiên phong, chủ lực trong hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách tín dụng về nông nghiệp, nông thôn. Hiện Agribank đang thực hiện 7 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng đó, Agribank là “cầu nối” quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước, mang đến cho người dân cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước, góp phần làm thay đổi căn bản chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank luôn nỗ lực không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đến nay, Agribank đã triển khai trên 69.000 tổ vay vốn với gần 1,5 triệu thành viên; triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với trên 15.000 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,4 triệu lượt khách hàng tại trên 454 xã trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng. Agribank cũng đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng, đến nay doanh số cho vay chương trình đạt trên 22.000 tỷ đồng với 230.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu hợp pháp và cấp thiết, nâng cao đời sống của người dân tại các địa bàn nông thôn…

Nguồn vốn của Agribank hỗ trợ cho các hộ gia đình ổn định đời sống và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa.
Nguồn vốn của Agribank hỗ trợ cho các hộ gia đình ổn định đời sống và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa. Ảnh: Nhật Minh

Đặc biệt trong hành trình 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nguồn vốn của Agribank thông qua các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ đã hỗ trợ tích cực quá trình sản xuất kinh doanh, cùng toàn ngành Ngân hàng đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững trở thành hiện thực tại Việt Nam; góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, hạn chế tín dụng đen... đóng góp vào việc thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững.

Nguồn vốn tín dụng của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện các dự án “điện, đường, trường, trạm”, các hộ gia đình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, thu nhập, góp phần ổn định đời sống; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa. Bên cạnh đó, dòng vốn tín dụng của Agribank tiếp tục được tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; tăng trưởng tín dụng xanh, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Tạo thế và lực mới cho vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế

Phát huy thế mạnh của ngân hàng thương mại (NHTM) có mạng lưới rộng lớn nhất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, là NHTM duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, Agribank luôn giữ vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường và góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô, đóng góp quan trọng phát triển nền kinh tế đất nước. Agribank đã góp phần để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng phát triển, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo thế và lực mới cho vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, nhất là trong những giai đoạn khó khăn của đất nước.

Cùng với cung ứng tín dụng, Agribank phát triển hàng trăm sản phẩm dịch vụ tiện ích, đa dạng kênh phân phối, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Dành nguồn vốn cho chương trình nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn của Agribank đã “phủ” đến 100% số xã trong cả nước. Trong đó trên 50% nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực; gần 35% nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ thương mại; trên 15% nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…

Với mong muốn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến người dân được nhanh chóng và thuận lợi, Agribank đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải tiến, tháo gỡ về thủ tục cho vay, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ vay vốn, niêm yết công khai minh bạch chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay, chủ động tiếp cận khách hàng, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương... để tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến các khách hàng trên địa bàn.

Để củng cố, tăng cường vị trí truyền thống, kiên định sứ mệnh “Tam nông”, Agribank chủ động, sẵn sàng các giải pháp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục tiên phong, chủ lực trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; dựng xây Agribank hiện đại và hội nhập, ứng dụng công nghệ hướng tới ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ và giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn.

Agribank Đắk Lắk đầu tư cho kinh tế địa phương đạt gần 17 nghìn tỷ đồng

Cuối năm 2022, dư nợ cho vay nền kinh tế tại Agribank Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đạt 16.945 tỷ đồng, tăng 2.695 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 18,9% và bằng 100% kế hoạch năm. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng trên 60% tổng dư nợ, tức trên 10.000 tỷ đồng.

Với quy mô đầu tư lên tới trên 17.000 tỷ đồng, vốn tín dụng của Agribank Đắk Lắk thực sự là đòn bẩy tài chính giúp cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông thôn trong tỉnh khai thác có hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, chung sức cùng các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Có được kết quả trên là nhờ trong năm 2022, đơn vị đã chú trọng đẩy mạnh huy động vốn (nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 9.409 tỷ đồng, tăng 866 tỷ đồng so đầu năm, tốc độ tăng trưởng 10,1%), đảm bảo nguồn lực tài chính để cung ứng vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn; bám sát các chương trình trình kinh tế của UBND tỉnh Đắk Lắk, cũng như các địa phương, chú trọng đầu tư vào các chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam