Gian nan ngăn chặn tội phạm tín dụng đen qua không gian mạng

10:09 | 14/01/2023 Print
(TBTCO) - Thời gian vừa qua, hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" ngày càng gia tăng, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, diễn biến phức tạp qua không gian mạng đã gây ra bao hệ lụy mất trật tự trị an, thách chức đối với cơ quan chức năng. Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo và biện pháp đấu tranh phòng ngừa với tội phạm tín dụng đen trên không gian mạng.

Khởi tố gần 1.600 vụ phạm pháp liên quan đến tín dụng

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (TP&VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (HĐ TDĐ) có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng HĐ TDĐ chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.

Gian nan ngăn chặn tội phạm tín dụng đen qua không gian mạng
Gian nan ngăn chặn tội phạm tín dụng đen. Ảnh: TL

Tinh vi hơn nữa, các đối tượng lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.

Thống kê từ giữ năm 2019 đến giữa năm 2022, ngành Công an đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ/2.771 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cơ quan công an đã khởi tố 1.038 vụ/2.025 bị can; xử phạt hành chính 359 vụ/485 đối tượng.

Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện HĐ TDĐ. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Trước thực tế đáng báo động nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 (ngày 25/4/2019) về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh đối với TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ.

Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 2.740 vụ/4.941 tín dụng, trong đó đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng.

Tăng cường các biện pháp đẩy lùi “tín dụng đen”

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã đưa ra các giải pháp đấu tranh với các hành vi TDĐ, trong đó đặc biệt lưu ý đến các hình thức lừa đảo tinh vi qua không gian mạng có dấu hiệu bùng phát.

Gian nan ngăn chặn tội phạm tín dụng đen qua không gian mạng
Tràn ngập các App mời chào vay tiền trên không gian mạng. Ảnh: Hải Anh

Theo đó, Cục Cảnh sát hình sự đề nghị các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương với hình thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động..., gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.

Đồng thời, truyền thông, giáo dục tài chính để người dân có hiểu biết cơ bản về các giao dịch liên quan đến hoạt động ngân hàng; từ đó, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động tín dụng chính thức.

Tiếp đến, Cục Cảnh sát hình sự đề nghị UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh Covid-19; kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến TDĐ.

UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành ngân hàng phổ biến tuyên truyền giới thiệu các kênh huy động, vay vốn chính thống; đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng, hệ thống tài chính vi mô, quan tâm, kịp thời có hình thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn; xây dựng các mô hình kinh tế lành mạnh, hướng dẫn, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên đầu tư, kinh doanh chính đáng, góp phần hạn chế người dân, đoàn viên, hội viên tham gia, tiếp tay hoặc tìm đến TDĐ để vay vốn.

Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát hình tham mưu Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ. Trong đó, cần rà soát, kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính có biểu hiện vi phạm, liên quan đến hoạt động TDĐ để có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Cục Cảnh sát hình sự cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.

Song Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam