Thị trường tiền tệ tuần 9 – 12/1:

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng, tỷ giá giữ nhịp ổn định

19:11 | 14/01/2023 Print
(TBTCO) - Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn sau nhịp tăng vào tuần đầu tháng 1/2023 đã tiếp tục nhích tăng thêm trong tuần thứ hai của tháng 1. Trong khi đó, tỷ giá của đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ vẫn giữ được sự ổn định.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng

Sau khi tăng vào tuần đầu tiên của năm 2023, lãi suất liên ngân hàng đã tiếp đà tăng trong tuần từ 9 – 13/1.

Cụ thể, trong tuần đầu năm 2023, lãi suất cho vay qua đêm tại thị trường liên ngân hàng ở mức khoảng 5,17% nhưng đã tăng lên mức khoảng 5,59% trong tuần tiếp theo. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng có xu hướng tăng từ mức 6,24% trong tuần đầu năm lên 6,61% trong tuần thứ hai.

Với diễn biến này, mặt bằng lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng đã cao hơn khá nhiều so với hồi cuối năm 2022, khi lãi suất thấp nhất kỳ hạn qua đêm 2 tuần cuối cùng năm 2022 chỉ là 3,2% và 4,85% với kỳ hạn 1 tuần.

Hiện tại, việc điều hành lãi suất vẫn là thách thức lớn đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bởi yêu cầu đặt ra vẫn là cố gắng giảm lãi suất xuống mức thấp nhất để hỗ trợ hoạt động kinh tế.

Cụ thể, nếu so sánh lãi suất trên thế giới, ví dụ như ở Mỹ, Cục Dự trữ liêng bang Mỹ (FED) dù đã thực hiện tới 6 lần tăng lãi suất trong năm 2022, nhưng mặt bằng lãi suất cũng mới chỉ ở mức khoảng 4%. Trong khi đó ở Việt Nam, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã tới khoảng hơn 9% (cao hơn gấp đôi ở Mỹ). Đó là lãi suất danh nghĩa, lãi suất thực nếu trừ đi yếu yếu tố lạm phát thì chênh lệch lãi suất ở Việt Nam còn đang cao hơn nữa so với ở Mỹ.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng, tỷ giá giữ nhịp ổn định
Sự phục hồi kinh tế là yếu tố tích cực nhưng cũng có thể tác động tăng lạm phát do cầu kéo. Ảnh: T.L

Tỷ giá vẫn giữ nhịp ổn định

Tuần qua vẫn là một thời kỳ êm ả với tỷ giá đồng Việt Nam so với USD.

Hôm đầu tuần, NHNN công bố tỷ giá USD trung tâm ở mức 23.605 đồng/USD, bằng với tỷ giá trung tâm hôm cuối tuần trước. Sau đó, tỷ giá USD trung tâm đã có 1 phiên giảm, 2 phiên tăng liên tiếp và sau đó quay đầu giảm vào phiên cuối cùng trong tuần. Chốt phiên cuối tuần, tỷ giá USD trung tâm ghi nhận ở mức 23.602 đồng/USD, chỉ giảm 3 đồng mỗi USD so với hôm thứ hai đầu tuần.

Những yếu tố cung và cầu có thể tác động lên lạm phát thời gian tới

Theo phân tích của lãnh đạo NHNN, về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu).

Về phía cầu, kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả.

Tại ngân hàng thương mại, Vietcombank công bố tỷ giá USD hôm thứ hai đầu tuần là 23.290/23.320/23.640 đồng/USD (mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra). Sau đó, Vietcombank đã có 2 hôm điều chỉnh giảm tỷ giá và giữ ổn định trong 2 phiên cuối tuần. Đến sáng ngày 13/1, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức là 23.260/23.290/23.610 đồng/USD (mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra), giảm thấp hơn khoảng 30 đồng mỗi Đô la so với hôm đầu tuần.

Theo đánh giá chung của Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, việc thực thi chính sách tiền tệ luôn cần linh hoạt để giữ điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất và điều hành tỷ giá.

Cụ thể, chính sách điều hành nếu chấp nhận hy sinh tỷ giá (để tỷ giá tăng cao), đồng nội tệ mất giá nhiều thì sẽ giữ được lãi suất thấp, giữ được dự trữ ngoại hối. Nhưng ngược lại, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, nếu để đồng nội tệ mất giá nhanh và mất giá quá lớn thì nền kinh tế sẽ đối diện với khả năng nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô.

Phó Thống đốc nói về rủi ro lạm phát năm 2023

Tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đã có một số nội dung trao đổi về điều hành thị trường tiền tệ thời gian qua và định hướng sắp tới.

Trong phần nói về lạm phát, ông Hà cho biết, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát.

Mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo). Do đó, chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng, tỷ giá giữ nhịp ổn định
Chưa có những yếu tố rõ ràng có thể tác động mạnh lên giá vàng. Ảnh: T.L

Giá vàng giữ nhịp

Giá vàng có sự biến động, nhưng ở mức vừa phải trong suốt các phiên giao dịch trong cả tuần qua.

Đầu tuần, giá vàng SJC tại Hà Nội chỉ tăng nhẹ 50 nghìn đồng/lượng so với kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, ghi nhận mức 66,5 triệu đồng/lượng mua vào và 67,32 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên 10/1 và giữ ổn định trong 2 phiên tiếp theo ngày 11/1 và 12/1 trước khi quay đầu tăng trở lại vào hôm cuối tuần 13/1. Theo đó, giá vàng SJC sáng 13/1 ghi nhận mức 66,3 triệu đồng/lượng mua vào và 67,12 triệu đồng đồng/lượng bán ra.

Diễn biến thị trường quốc tế và trong nước hiện tại vẫn chưa có yếu tố gì đủ mạnh để tác động trực tiếp có thể tạo “sóng” lên giá vàng./.

Dư địa điều hành tín dụng hiện tại đang rất hạn hẹp

NHNN cho biết, tỷ lệ tín dụng so với GDP của Việt Nam đã đạt 124%, là mức cao nhất đối với các nước có mức thu nhập trung bình thấp theo thống kê của WB. Trong khi đó, Tổ chức Moody’s cảnh báo tỷ lệ tín dụng so với GDP của Việt Nam là mức cao nhất của các quốc gia xếp hạng tín nhiệm Ba và Baa. Tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tiến tới xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng, đó là một con số rất lớn. Vì vậy, dư địa điều hành tín dụng trong bối cảnh nêu trên là rất hạn hẹp.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam