Chính sách tài khóa đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp

08:00 | 23/01/2023 Print
(TBTCO) - Đầu năm 2022, một chương trình hỗ trợ lớn chưa từng có được triển khai thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết 43/2022/QH15 do Quốc hội ban hành, với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Trong đó, các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 83% tổng giá trị chương trình. Các gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần quan trọng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tốt cho tăng trưởng, với GDP năm 2022 dự kiến tăng trưởng trên 8% trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề từ đại dịch và những ảnh hưởng từ yếu tố địa chính trị thế giới. Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả, tác dụng từ các chính sách tài khoá.

* Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Nhóm chính sách miễn, giảm thuế, phí được thực hiện sớm nhất, tích cực nhất

Nghị quyết 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai năm 2022, có thể coi là quyết sách mang lại hiệu quả thiết thực trong năm 2022.

Chính sách tài khóa đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp
Ông Đậu Anh Tuấn

Từ phản ánh của doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy nhóm chính sách về miễn, giảm thuế, phí được thực hiện một cách sớm nhất, tích cực nhất và đạt được mục tiêu tốt nhất. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 43 là chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế môi trường đối với nhiên liệu bay và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác. Chính vì vậy bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, nhiều khó khăn, nhưng với ước tính tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt trên 8%, Việt Nam chắc chắn nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế, sự hồi phục của nhiều ngành hàng, kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp (DN) có đóng góp rất lớn từ Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ phục hồi.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng chúng tôi cho rằng, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam nói chung, cộng đồng DN nói riêng tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế - chính trị thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, cộng đồng DN đang trông chờ vào các chính sách điều hành, hỗ trợ hoạt động kinh doanh từ phía Chính phủ, trong đó có chính sách tài khóa đã và đang phát huy tác dụng trong năm 2022.

Do đó, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm 2023, đó là hoạt động giảm thuế GTGT 2%. Chính sách giảm thuế GTGT 2% là chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, đi vào thực tế nhanh nhất. DN hưởng lợi trực tiếp mà không cần quy trình, thủ tục phức tạp hoặc đợi phê duyệt hồ sơ. Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu và việc giảm thuế GTGT cũng là một giải pháp tích cực giúp giảm nguy cơ lạm phát.

Chính sách tài khóa đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp
Các chính sách tài khóa góp phần tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

* Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics (VLA):

Chính sách tài khóa giúp doanh nghiệp vượt khó hậu Covid-19

Doanh nghiệp đánh giá cao thời gian qua Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, giảm chi phí. Cắt giảm thuế giúp ích rất nhiều cho DN phát triển tốt hơn, nhất là trong giai đoạn hậu Covid-19. Đây là các giải pháp có ý nghĩa rất lớn đối với DN, thay vì nộp thuế cho Nhà nước, thì dành nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.

Chính sách tài khóa đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp
Ông Đào Trọng Khoa

Để nhanh chóng đưa các chính sách vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thông qua việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 34/2022/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022.

Chính sách tài khóa được cộng đồng DN hoan nghênh, giúp DN vượt khó khăn sau dịch Covid-19. Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất Chính phủ ký ban hành Nghị định số 91/2022/NĐ-CP (ngày 30/10/2022) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP nhằm gỡ vướng cho DN trong việc tạm nộp thuế thu nhập DN.

Nghị định số 91/2022/NĐ-CP tạo nhiều thuận lợi cho DN, phù hợp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong quá trình tính thuế, nộp thuế so với trước đây. DN được hưởng lợi là đến thời hạn tạm nộp quý III, DN sẽ không cần phải ước tính doanh thu cả năm ngay từ quý III để nộp ít nhất 75% số phải nộp theo quyết toán năm. Thay vào đó, hết quý IV, DN mới cần phải nộp thuế thu nhập DN cho cả năm. Nghị định 91/2022/NĐ-CP đã cởi mở, tháo gỡ khó khăn rất thiết thực cho DN về tài chính.

Cộng đồng DN nói chung và DN dịch vụ logistics mong muốn được Chính phủ và Bộ Tài chính quan tâm tiếp tục duy trì và có chính sách tài khóa mới, kịp thời hỗ trợ DN phục hồi, phát triển trong năm 2023.

Bên cạnh đó, nhằm khơi thông dòng chảy thương mại, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu, cùng với chính sách tài khóa, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách quy trình thủ tục giám sát hải quan tại cảng biển lớn như TP. Hồ Chí Minh đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của hải quan.

* Ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam:

Doanh nghiệp đã “hấp thụ” hiệu quả chính sách tài khóa

Do dịch Covid-19 kéo dài, quy mô và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, nên các DN nói chung và các DN ngành giấy nói riêng đều gặp rất nhiều khó khăn.

Chính sách tài khóa đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp
Ông Đặng Văn Sơn

Việc ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất... đã giúp cho DN có thêm tiền để chi trả lương cho công nhân, đặc biệt là góp phần thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã xây dựng các chính sách trình Chính phủ và Quốc hội kịp thời ban hành các chính sách tài khóa mang lại hiệu quả đối với cộng đồng DN như: giảm thuế GTGT cho DN từ 10% xuống còn 8% giúp hạ giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, các chính sách về gia hạn các loại thuế và tiền thuê đất được tiếp tục ban hành đã hỗ trợ các DN có nguồn vốn để tái sản xuất, cơ bản vượt qua những khó khăn, tạo đà phát triển cho DN. Đến nay, có thể nhấn mạnh rằng, DN đã "hấp thụ" hiệu quả chính sách tài khóa.

Ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, các lệnh cấm vận và trừng phạt đối với Nga đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xăng dầu và khí đốt thế giới. Việc giá xăng dầu biến động tăng liên tục với biên độ lớn đã tác động rất mạnh đối với nền kinh tế. Tuy vậy, với các chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu đã dần ổn định, giúp DN giảm giá thành sản phẩm, ổn định các mặt hàng tiêu dùng trong nước, tạo động lực để kinh tế ổn định, phát triển.

* Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME):

Chính sách tài khóa được Bộ Tài chính triển khai rất nhanh và kịp thời

Nhìn lại năm 2022, trong các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế, các biện pháp hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa đóng một vai trò hết sức quan trọng. Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, Chính phủ với sự tham mưu tích cực của Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách tài khóa tiếp sức cho DN ngay từ năm 2020 khi đại dịch này xuất hiện và các năm 2021, 2022.

Chính sách tài khóa đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Thân

Trong khi các giải pháp về tiền tệ có độ trễ nhất định, các giải pháp tài khóa hầu hết đều có tác dụng trực tiếp, ngay lập tức như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu… Đặc biệt, các chính sách này sau khi được Chính phủ, Quốc hội thông qua đã được Bộ Tài chính triển khai rất nhanh, kịp thời với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các chính sách được triển khai với mục tiêu tăng sức chống chịu cho nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ DN duy trì được trong bối cảnh khó khăn. Khi dịch bệnh giảm dần, chính sách tài khóa được thiết kế với mục tiêu dài hơi hơn, hỗ trợ, kích thích phục hồi kinh tế thông qua việc thúc đẩy cả cung và cầu.

Thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ DN, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng DN, người dân hưởng ứng, đánh giá cao.

Năm 2022, quy mô các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế đạt khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Quy mô của các chính sách tài khóa triển khai giai đoạn này là chưa từng có từ trước đến nay.

Ờ góc độ DN, tôi cho rằng, phần lớn trong các chính sách hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế được triển khai vừa qua hướng đến đối tượng là DN. Trong số DN của Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 97 - 98%. Do đó, DNNVV cũng là đối tượng thụ hưởng chính của các chính sách này. Từ góc độ của mình, các DN đều ghi nhận nỗ lực lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính trong các chính sách hỗ trợ đã ban hành. Hy vọng, các chính sách tài khóa tiếp tục được duy trì trong năm 2023, góp phần tiếp sức cho DN phục hồi, phát triển.

* Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham):

Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng vào chính sách tài khóa của Việt Nam

Đại dịch Covid-19 đặt ra gánh nặng chưa từng có tới nền kinh tế thế giới, buộc các quốc gia phải có chính sách hỗ trợ để nền kinh tế phục hồi và phát triển. Việt Nam đã rất chủ động, tích cực thiết kế và triển khai gói chính sách tài khóa, mà chủ đạo là việc miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được thực hiện hơn 2 năm qua hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp (DN) có cơ hội phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Chính sách tài khóa đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hải Minh

Trong năm 2022, hoạt động kinh tế gặp nhiều khó khăn, không chỉ đối với Việt Nam mà cả các DN tại châu Âu (EU) cũng bị ảnh hưởng. Các khó khăn từ tác động của dịch Covid-19, việc gián đoạn chuỗi cung ứng, diễn biến cuộc xung đột Nga - Ukraine... Tuy nhiên, niềm tin của các DN châu Âu về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam vẫn duy trì mức khá.

Đặc biệt, sau hơn 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, bất chấp Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam vẫn xuất khẩu sang EU tương ứng hơn 35,1 tỷ USD và hơn 40 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ EU trị giá trên 14,6 tỷ USD và hơn 16,7 tỷ USD.

Tôi cho rằng, trong khó khăn, hoạt động của DN Việt Nam và DN châu Âu tại Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực. Kết quả này có phần đóng góp quan trọng của chính sách tài khóa và môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn, giữ chân nhà đầu tư quốc tế và EU.

Năm 2023, các DN thuộc EU có kế hoạch xúc tiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào sản xuất chế biến, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh trên, DN châu Âu tin tưởng vào chính sách tài khóa của Việt Nam, góp phần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, trong đó có chính sách thuế liên quan đến việc thực hiện EVFTA; thủ tục thuế, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi lĩnh vực được Bộ Tài chính đảm nhận.

Năm 2023, Chính phủ, Bộ Tài chính cần tiếp tục quan tâm đến chính sách tài khóa liên quan đến đầu tư vào năng lượng, không chỉ là đầu tư trực tiếp cho hệ thống năng lượng tại Việt Nam, mà còn giúp cho Việt Nam đạt được cam kết của Thủ tướng Chính phủ về giảm phát thải.

* Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

Giãn, giảm thuế đã hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp phục hồi phát triển

2022 là năm thách thức trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu dệt may khi kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn, cầu hàng dệt may sụt giảm. Tuy nhiên, với sự trợ lực từ các chính sách tài khóa của Chính phủ đưa ra và triển khai quyết liệt trong năm 2022, đã góp phần tích cực giúp DN nói chung và DN dệt may nói riêng về đích thành công. Năm 2022, dệt may đạt dấu mốc xuất khẩu khoảng 43 - 44 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm 2021.

Chính sách tài khóa đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp
Ông Vũ Đức Giang

Trong năm 2022, cộng đồng DN đánh giá cao vai trò tham mưu của Bộ Tài chính trong việc trình Chính phủ gia hạn; giảm tiền thuê đất phải nộp… Dự kiến, thực hiện các giải pháp tài khóa trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho DN, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 230 nghìn tỷ đồng.

Ở góc độ trực tiếp, chính sách tài khoá có ý nghĩa rất lớn hỗ trợ các đối tượng, DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Về cơ bản, chính sách tài khóa tác động hai chiều cả bên cung và bên cầu, tạo động lực cho DN phục hồi, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, giải quyết việc làm cho người lao động.

Năm 2023, cũng như các ngành công nghiệp khác, ngành dệt may đang đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức ảnh hưởng từ cuộc xung đột địa chính trị tại một số quốc gia; việc thắt chặt chi tiêu do lạm phát ở Mỹ và châu Âu; lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng gặp khó khăn trong sản xuất.

Chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền các chính sách tài khóa phù hợp, kịp thời hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho DN trong hoạt động xuất khẩu tại chỗ, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý của cơ quan thuế, hải quan để việc thực hiện các thủ tục giãn, giảm thuế, phí tiếp tục đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn nữa. Cơ quan hải quan tiếp tục nghiên cứu thêm các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí và thời gian thông quan hàng hóa cho DN…

Nhóm PV (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam