Hải quan Việt Nam - chuyển đổi số để vươn tầm thế giới

05:30 | 25/01/2023 Print
(TBTCO) - Trong lúc “trà dư tửu hậu” ngày đầu xuân mới, người ta hay chuyện trò về những thành quả cũ và những đích đến mới. Phần là để tự hào, phần là để quyết tâm. Nhắc đến ngành Hải quan vào dịp đầu xuân, có lẽ cái để ta đáng tự hào chính là “hiện đại hóa”, còn cái để ta đặt ước vọng chính là “chuyển đổi số”. Nói “ước vọng” bởi chuyển đổi số chính là bậc thang cao nhất để Hải quan Việt Nam vươn tầm, ngang hàng với hải quan các nước tiên tiến trên thế giới.

Những bước đi vững chắc

Qua từng thời kỳ, ngành Hải quan luôn tận dụng triệt để những lợi ích từ công nghệ để từng bước “nâng cấp” chính mình với đích đến là tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa Việt Nam.

Còn nhớ, hơn 10 năm trước, khi thảo luận về Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011 - 2015, mục tiêu 5E (e-Declaration thủ tục hải quan điện tử; e-Manifest bản lược khai hàng hóa điện tử; e-Payment nộp thuế, lệ phí điện tử; e-C/O cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử; e-Permit cấp giấy phép các bộ, ngành) được đặt ra bằng những sơ đồ khá trừu tượng. Thế rồi chỉ 5 năm sau, những “sơ đồ trừu tượng” đó đã được hiện thực hóa, mang lại bước tiến nhảy vọt cho công tác quản lý của ngành Hải quan.

VNACCS/VCIS xuất hiện giúp 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa; 100% cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1 - 3 giây.

Việc thanh toán điện tử được triển khai từ năm 2012 và được chuyển đổi thành nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 vào năm 2017. Tới nay, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, miễn là có kết nối internet; đồng thời hàng hóa được thông quan ngay sau khi nộp thuế cũng bất kể thời gian. Số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của ngành Hải quan.

Hải quan Việt Nam - chuyển đổi số để vươn tầm thế giới
Cơ quan hải quan kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm và kiểm tra trực tuyến.

Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) được triển khai từ năm 2017 và gần như phủ sóng tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Hệ thống này kết nối, trao đổi thông tin của hải quan với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. VASSCM đã góp phần làm cho hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu khắc phục được tình trạng ùn tắc.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 221/244 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện), trong đó dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 đạt tỷ lệ 88,1%, cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng internet.

Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối. Cơ chế một cửa ASEAN đã trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN… Tính riêng việc trao đổi chính thức thông tin e-C/O đã tiết kiệm gần chục triệu USD mỗi năm.

Mỗi bước đi trong công cuộc hiện đại hóa hải quan đều rất chắc chắn, từ thí điểm, mở rộng đến chính thức triển khai từng quy trình, từng thủ tục, từng hệ thống; tạo nền tảng vững chãi và cũng trở thành động lực mạnh mẽ cho hành trình chuyển đổi số sau này.

Chuyển đổi về chất

Trong Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là hoàn thành Hải quan số với 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan; chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo đồng bộ và triển khai Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về hải quan.

Đây lại là một bản “sơ đồ trừu tượng” mới, khó hơn, phức tạp hơn. Để hiện thực hóa nó, theo ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, còn nhiều việc phải làm.

Đầu tiên là xây dựng mô hình Hải quan thông minh. Mô hình này phải có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Số hóa toàn bộ hồ sơ hải quan

Hải quan Việt Nam - chuyển đổi số để vươn tầm thế giới
Ông Nguyễn Văn Cẩn Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Hiện nay ngành Hải quan đang phục vụ khoảng 80.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường xuyên. Kim ngạch dự kiến đến 31/12/2022 đạt 740 tỷ USD với chỉ tiêu thu ngân sách là 350.000 tỷ đồng.

Khoảng 7 năm trở lại đây, quân số ngành Hải quan giảm khoảng 1 - 1,5%/năm, trong khi khối lượng giao dịch, kim ngạch tăng 20%, thuế tăng 10%. Để đáp ứng được yêu cầu công việc, ngành Hải quan luôn chú trọng công tác hiện đại hóa.

Minh chứng cụ thể cho giá trị cải cách hiện đại hóa mang lại được thể hiện rõ nét trong các con số. Trong 15 triệu giao dịch/năm thì chỉ có 5% giao dịch luồng Đỏ, 30% luồng Vàng và 65% luồng Xanh - tức là không có bất kỳ sự can thiệp nào của con người, hoàn toàn bằng máy tính.

Trước yêu cầu ngày càng cao, số hóa là một trong những hướng đi mà ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh. Một trong những mục tiêu quan trọng đến 2025 phải đạt được là số hóa toàn bộ hồ sơ hải quan, tức là doanh nghiệp nộp hồ sơ hải quan dưới dạng số chứ không phải điện tử (gửi bản scan qua hình thức điện tử). Nói cách khác, tất cả được thể hiện bằng các chỉ tiêu, tiêu chí thông tin và trên cơ sở đó, cơ quan hải quan sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu giúp cơ quan hải quan đánh giá được rủi ro chính xác hơn, quyết định phân luồng chính xác và giảm thiểu tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa.

Căn cứ mô hình Hải quan thông minh, Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực để tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan đảm bảo tính liên thông, liên tục đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện để ứng dụng mạnh mẽ công nghệ. Trên cơ sở kết quả tái thiết kế đó, Tổng cục Hải quan sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa quy trình nghiệp vụ, triển khai hệ thống mới và chủ động nghiên cứu các công nghệ then chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong từng bài toán nghiệp vụ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, việc tái thiết kế quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin nói trên là hết sức quan trọng. Bởi đó là tiền đề để Tổng cục Hải quan thực hiện sắp xếp, huy động nguồn lực tổ chức, triển khai Kế hoạch chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin hải quan phục vụ đắc lực cho công tác triển khai. Bên cạnh đó, để đảm bảo triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý, hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan.

Trong công nghệ, người ta có thuật ngữ "nâng cấp phiên bản", năm mới đã tới, kỳ vọng rằng với việc chuyển đổi số thành công, Hải quan Việt Nam sẽ khoác lên mình chiếc áo mới được “nâng cấp” chính quy hơn, hiện đại hơn, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới đúng như mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược Phát triển hải quan đến năm 2030.

Nhiều động lực để tiếp tục phát triển chuyển đổi số

Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chuyển đổi số khó nhất là phải thay đổi toàn bộ phương thức hoạt động, nên cần cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đủ điều kiện và trình độ đáp ứng về chuyển đổi số. Ngành Tài chính nói chung và ngành Hải quan nói riêng có rất nhiều động lực để tiếp tục phát triển chuyển đổi số, đó chính là yêu cầu của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh kinh tế đang hội nhập quốc tế. Nếu chuyển đổi số bị dừng lại thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nền kinh tế.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam