Kho bạc số đường đến không còn xa

06:06 | 25/01/2023 Print
(TBTCO) - Mùa xuân này có ý nghĩa đặc biệt đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước khi trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. Từ thành công của kho bạc điện tử, trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Kho bạc Nhà nước tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới, những thử thách mới để trở thành kho bạc số như Chiến lược đã đề ra.

Kho bạc điện tử - bệ phóng cho kho bạc số

“Vô cùng thuận lợi”, “nhanh chóng”, “kịp thời”… là những nhận xét của khách hàng và đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) khi nói về các cải cách, hiện đại hóa của toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong suốt thời gian vừa qua.

Chị Nguyễn Thị Hoa - Kế toán trưởng của phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước rất vui mừng khi hàng ngày không còn phải đến kho bạc để gửi hồ sơ chứng từ nữa. Thay vào đó, chị có thể thực hiện công việc này ngay tại trụ sở cơ quan, thậm chí tại nhà và vào bất kỳ thời gian nào, nên đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí đi lại. “Các giao dịch với KBNN hiện đều được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến (DVCCT), vì thế tôi dễ dàng theo dõi hồ sơ của đơn vị mình đã được cán bộ KBNN tiếp nhận và xử lý như thế nào. DVCTT đã giúp tôi thuận tiện hơn trong giao dịch với KBNN, tiết giảm tối đa chi phí và thời gian đi lại, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính công” - chị Hoa chia sẻ.

Ghi nhận của phóng viên TBTCVN mới đây cho thấy, mặc dù là những ngày cuối cùng của năm, nhưng trụ sở KBNN một số tỉnh, khách hàng dường như hoàn toàn “vắng bóng”, có chăng chỉ lác đác 1 - 2 khách hàng đến đối chiếu số liệu. Khung cảnh này khác xa so với nhiều năm trước đây - khi cứ vào dịp cuối quý, cuối năm, lượng khách dồn về để đợi đến lượt giao dịch chật cứng cả sảnh trụ sở.

Kho bạc số đường đến không còn xa
Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương

Chia sẻ về sự đổi thay này, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, đây chính là thành quả của việc đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa các nghiệp vụ theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 để trở thành kho bạc điện tử. Theo đó, toàn hệ thống đã xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis), giúp cho việc quản lý NSNN được hiệu quả; phối hợp thu và ủy nhiệm chi NSNN cho các hệ thống ngân hàng thương mại và thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống; xây dựng và triển khai Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), giúp cho các hoạt động của KBNN công khai, minh bạch, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực trong kiểm soát chi, giúp các cơ quan…

Đặc biệt, DVCTT là bước đột phá mạnh mẽ của KBNN để hình thành kho bạc điện tử và tiến tới kho bạc số. Qua 5 năm triển khai, KBNN đã tích hợp lên DVCTT 9 thủ tục hành chính mức độ 4, giúp cho 100% đơn vị giao dịch thuộc đối tượng phải thực hiện DVCTT dễ dàng thực hiện. Vì thế, các tổ chức, cá nhân không phải mất thời gian đến kho bạc mà vẫn thực hiện giao dịch.

Đồng thời, KBNN đã mở rộng phối hợp thu NSNN với các hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, người nộp thuế được mở rộng thêm thời gian và không gian làm thủ tục nộp NSNN, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp NSNN. Đặc biệt, người nộp thuế được cung cấp thêm các dịch vụ nộp NSNN đa dạng, thuận tiện, văn minh hiện đại hơn như nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, internet banking thay vì phải đến tận trụ sở KBNN để nộp.

Chinh phục mục tiêu mới

Với đích đến tiếp theo là kho bạc số, KBNN đang đưa ra những định hướng, kế hoạch và lộ trình thực hiện. Tất cả các đơn vị KBNN địa phương cũng đều sẵn sàng để tiến tới mục tiêu này.

Đóng trên địa bàn thủ đô, với gần 10.000 đơn vị giao dịch, khối lượng chứng từ thanh toán bình quân trên 15.000 chứng từ/ngày, nhưng KBNN Hà Nội luôn nhận được sự hài lòng và tin tưởng của khách hàng giao dịch về chất lượng phục vụ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc KBNN Hà Nội cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, tổ chức, góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Tại Bình Phước, 100% các đơn vị KBNN trên địa bàn tỉnh đã xử lý công việc qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội ngành; sử dụng mạng nội bộ và hộp thư điện tử trong giải quyết công việc; cung cấp thông tin kịp thời trên trang thông tin điện tử của ngành...

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu kho bạc số vào năm 2030

Kho bạc số đường đến không còn xa
Ông Trần Quân - Tổng giám đốc KBNN

Kho bạc số là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Để hoàn thành mục tiêu này, KBNN sẽ triển khai tổng thể, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ; trong đó, tập trung vào một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ của KBNN; từ đó, cải cách hoạt động nghiệp vụ và tạo nền tảng để hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN.

Hai là, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN; trong đó, trọng tâm là xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); đồng thời, thực hiện liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan.

Ba là, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức KBNN có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính chuyên nghiệp cao, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình chuyển đổi số...

Chia sẻ về những bước chuẩn bị để hình thành kho bạc số, ông Đỗ Trung Phương - Giám đốc KBNN Bình Phước cho biết, đơn vị đang bám sát kế hoạch chuyển đổi số để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn. KBNN Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và vận hành các chương trình công nghệ thông tin ứng dụng vào các lĩnh vực nghiệp vụ KBNN theo hướng hoạt động của kho bạc số.

Có thể thấy, trong thời đại ngày nay, kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế - xã hội, đối với lĩnh vực kho bạc, điện tử hóa, số hóa sẽ giúp hệ thống KBNN tập trung nhanh các nguồn thu, chi trả kịp thời các khoản chi cho các đơn vị thụ hưởng. Không chỉ vậy, hiện đại hóa, số hóa còn giúp thực hiện việc hạch toán kế toán, thống kê báo cáo thông tin các nguồn tài chính nhanh chóng, từ đó giúp các cấp lãnh đạo quản lý tài chính hiệu quả, minh bạch.

Những thành quả đã đạt được để trở thành kho bạc điện tử với dấu ấn là DVCTT, KBNN đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao về sự phục vụ tận tình “tất cả vì khách hàng”. Mùa xuân đã về, phía trước còn không ít thử thách, nhưng với những giải pháp đã, đang và tiếp tục làm, con đường tới kho bạc số của hệ thống KBNN sẽ không còn xa.

Hướng đến cung cấp dịch vụ thay vì quản lý hành chính

Kho bạc số sẽ tập trung vào việc cải cách và chuyển đổi mô hình dựa trên dữ liệu. Các dịch vụ công được gắn kết chặt chẽ vào tác vụ hàng ngày, phục vụ cho việc tăng cường gắn kết với tổ chức, đơn vị, cá nhân giao dịch và thực hiện trên nền tảng xử lý thông tin. Đặc biệt, mô hình kho bạc số hướng tới cung cấp dịch vụ thay vì quản lý hành chính như hiện nay. Với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức cao nhất của Kho bạc Nhà nước, người dùng ngồi tại bất cứ nơi nào có mạng internet cũng có thể đăng ký và sử dụng dịch vụ. Kết quả sẽ được trả tận nơi, không cần đến giao dịch trực tiếp, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ của KBNN, tạo niềm tin rất lớn cho các tổ chức, cá nhân vào KBNN nói riêng và cơ quan nhà nước, chính phủ nói chung.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam