Viết tiếp câu chuyện quản trị tại doanh nghiệp nhà nước:

Sự chuyển mình của 19 doanh nghiệp nòng cốt

07:00 | 26/01/2023 Print
(TBTCO) - 19 doanh nghiệp nhà nước nòng cốt của nền kinh tế được tách ra khỏi sự quản lý của các bộ, ngành chủ quản cho thấy chủ trương tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn đã thể hiện tính đúng đắn. Doanh nghiệp đã hoạt động tự chủ hơn, các bộ, ngành có điều kiện tập trung nguồn lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ban hành cơ chế, chính sách pháp luật.

Trước thềm dấu mốc 5 năm

Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đề ra mục tiêu: Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp (DN).

Theo đó, ngày 3/2/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và ngày 29/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

Thực hiện quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC). Đến ngày 15/11/2018, Ủy ban đã tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ 5 bộ. Trong đó có 13 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 6 tập đoàn, tổng công ty là công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Năm 2023 là dấu mốc 5 năm 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển đầu mối đại diện chủ sở hữu theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW và những chuyển biến của các tập đoàn đã khẳng định chủ trương đúng đắn, cũng như việc thực thi nghiêm túc hiệu quả ở các cấp thừa hành.

Nguồn: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồ họa: Văn Chung

Theo CMSC, cơ quan này đã nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của CMSC để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch CMSC cho biết, thời gian qua CMSC đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu Nhà nước thuộc quyền. Đó là các nội dung về chiến lược tổng thể đầu tư phát triển DN; thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu được Chính phủ giao; tháo gỡ khó khăn cho các DN chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19…

Về phía các DN, 19 tập đoàn, tổng công ty, yêu cầu thực hiện nghiêm túc, bảo đảm thời hạn các quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai tài chính, công bố thông tin của DNNN và DN có vốn Nhà nước. Các DN cũng đặt ra yêu cầu phải nâng cao tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình, đặc biệt là về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh và quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước…

Sự chuyển mình của 19 doanh nghiệp nòng cốt

Trong thời gian qua, các DN đã triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội như: Khởi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I; khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; khởi công trở lại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2...

Chuyển động tích cực từ các đơn vị, dự án “tai tiếng”

Với nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhiều dự án “tai tiếng” một thời gần đây đã có những chuyển mình. Ví dụ như Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từng thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng dẫn đến nguy cơ có thể tê liệt. Tuy nhiên, dự án này đến năm 2022 đã có tín hiệu phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí… Tương tự, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1- Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã hết lỗ lũy kế từ đầu năm 2022.

Những dự án “lẹt đẹt” trước đây đã được khơi thông, đẩy nhanh tiến độ

- Dự án Thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Khu tự trị Nhenhexky- LB Nga khoảng 89.000 tỷ đồng.

- Dự án Nhà máy điện Yaly mở rộng tổng mức đầu tư 6.399 tỷ đồng.

- Dự án Nhà máy điện Hòa Bình mở rộng tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng.

- Dự án nhà máy điện Ô Môn IV tổng mức đầu tư 29.944 tỷ đồng.

- Dự án đường dây 500 KV Vân Phong, Vĩnh Tân tổng mức đầu tư 2.856 tỷ đồng.

- Dự án thành phần 3 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng.

- Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài tổng mức đầu tư 4.983 nghìn tỷ đồng.

- Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng…

Đặc biệt, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - Tisco (dự án Tisco 2), một trong những dự án được coi là khó xử lý nhất đến nay đã có nhiều bước thay đổi. Trong năm 2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát, làm việc tại dự án Tisco 2. Tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ tinh thần tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề đặt ra của dự án trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Với dự án này, việc giải quyết dứt điểm các tranh chấp/vướng mắc tại Hợp đồng EPC là cơ sở quan trọng để có thể xây dựng phương án khôi phục Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Theo đó, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và Tisco đã đàm phán với Công ty Hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MCC) để thảo luận các phương án. Hiện nay, các bên đang tiếp tục có những động thái tiếp theo để có hướng tháo gỡ khó khăn tại dự án này.

Với nhiều dự án lớn khác, Dự án nhà máy điện Sông Hậu 1 đã vận hành thương mại từ giữa năm 2022; Dự án nhà máy điện Thái Bình 2 cũng đã hòa lưới điện bằng dầu trong năm 2022; EVN và các đơn vị đã khởi công 54 công trình lưới điện và đóng điện 44 công trình lưới điện...

Ngoài ra, khối các CMSC và các doanh nghiệp do CMSC quản lý vốn thời gian gần đây cũng đã có những hoạt động đối ngoại và đầu tư với các đối tác nước ngoài chuyên nghiệp, một việc trước đây ít có ở nhóm các DNNN. Cụ thể cuối năm 2022 vừa qua, lãnh đạo của CMSC cùng với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đã sang tiếp cận thị trường Nhật Bản và làm việc với Công ty tư vấn chiến lược kinh doanh ONE-VALUE. Bà Phi Hoa - Tổng Giám đốc ONE-VALUE cho biết, các lĩnh vực đầu tư đang thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam nhất, gồm nông – lâm nghiệp thông minh, dược phẩm, thương mại điện tử, chế biến thực phẩm, chuyển đổi số…

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam