Chuyên gia HSBC nhận định Việt Nam đang đối diện với áp lực lạm phát ngày càng lớn

21:04 | 30/01/2023 Print
(TBTCO) - Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước, tăng 4,89% so với tháng 1/2022 và lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 5,21%. Theo HSBC, Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực lạm phát mạnh mẽ hơn.
Năm 2023: Dự kiến lạm phát cao hơn, tăng trưởng thấp hơn Không quá lo ngại áp lực lạm phát Lạm phát ở Nhật Bản lại phá vỡ ngưỡng kỷ lục trong 40 năm qua

CPI tháng 1 tăng 0,52%

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2023 của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước, do đây là tháng Tết Nguyên đán Quý Mão nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/1/2023. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2023 so với tháng 1/2022 tăng 4,89%; lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 5,21%.

Chuyên gia HSBC nhận định Việt Nam đang đối diện với áp lực lạm phát ngày càng lớn

Trong mức tăng 0,52% của CPI tháng 1/2023 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giữ giá ổn định là nhóm bưu chính viễn thông.

Trong số 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất là 1,39% chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 1/1/2023, 3/1/2023 và 11/1/2023 theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 làm cho giá xăng tăng 2,31%, trong đó giá xăng A95 tăng 1.450 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.380 đồng/lít. Ở chiều ngược lại, giá dầu diezen giảm 2,15%.

Về 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, nhóm giáo dục giảm 0,15% (làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm), trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,2%. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,89%) chủ yếu do giá gas và giá dịch vụ giáo dục giảm là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 1 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Khả năng phục hồi còn lớn gây áp lực về giá

Mới đây, dự báo về tình hình lạm phát năm 2023 ở khu vực ASEAN, HSBC đánh giá từ quý IV/2022, lạm phát toàn phần ở hầu hết các nước ASEAN đã bắt đầu có dấu hiệu đảo ngược tình thế khi lạm phát được dự báo đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, có hai quốc gia vẫn chưa chứng kiến lạm phát đạt đỉnh là Việt Nam và Philippines. Tại Việt Nam, mặc dù lạm phát toàn phần bình quân ở mức 3,2% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nhưng các chỉ số lạm phát gần đây liên tục vượt ngưỡng 4%, phản ánh đà lạm phát đang gia tăng. Mặc dù tình hình được xoa dịu phần nào nhờ giá dầu bình ổn, HSBC dự báo lạm phát cơ bản và lương thực tiếp tục leo thang ở Việt Nam.

Chuyên gia HSBC nhận định Việt Nam đang đối diện với áp lực lạm phát ngày càng lớn
Nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp Tết

Theo báo cáo của HSBC, rủi ro chính hiện nay là lạm phát cơ bản còn dai dẳng, trong bối cảnh thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ. Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp ở một số thị trường cao hơn so với năm 2019 trong bối cảnh mức độ phục hồi của ngành du lịch trong khu vực còn nhỏ. Như vậy khả năng phục hồi sẽ còn lớn, gây áp lực về giá do nhu cầu.

Mặc dù lạm phát nhập khẩu giảm, nhưng chuyên gia của HSBC cho rằng, không thể loại trừ những cú sốc bên ngoài. Giá điện ở Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực tăng do giá than nhập khẩu vẫn tăng. Ngoài ra, sự phục hồi của Trung Quốc và những tác động ngầm đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu cũng là vấn đề cần lưu ý. Đồng thời, bất kỳ thay đổi nào về chính sách tài khóa trong nước đều cần được quan sát kỹ.

Về chính sách tiền tệ, HSBC nhận định áp lực giảm bớt của đồng USD sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong cuộc chiến chống lạm phát. Là ngân hàng trung ương cuối cùng trong khu vực đưa ra động thái, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có động thái quyết liệt kể từ tháng 9 năm ngoái, triển khai các đợt tăng lãi suất liên tiếp 100 điểm cơ bản mỗi lần.

Tương tự như Philippines, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát mạnh mẽ hơn, báo hiệu việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất. HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở trong cả quý I/2023 và quý II/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7,0% vào giữa năm 2023 (dự kiến).

Giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít

Tối ngày 30/1, liên Bộ Tài chính - Công thương đã công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng và dầu sớm hơn 2 ngày so với chu kỳ thông thường. Theo đó, từ 19h ngày 30/1, giá xăng RON 95-III tăng thêm 990 đồng một lít, lên 23.140 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng thêm 970 đồng, có giá mới 22.320 đồng một lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng giá. Mỗi lít dầu diesel đắt thêm 890 đồng, lên 22.520 đồng; dầu hoả là 22.570 đồng (tăng 770 đồng) và dầu mazut là 13.930 đồng một kg, đắt thêm 570 đồng so với kỳ điều hành ngày 11/1.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam