Ấn tượng về một khí thế phát triển mới

08:21 | 03/02/2023 Print
(TBTCO) - Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại ấn tượng qua thực tế trong chuyến công tác đôn đốc các dự án giao thông vừa qua về một khí thế phát triển mới khi "cả nước như một công trường", sự tự tin của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành, cũng như niềm tin ngày càng được củng cố, tăng cường của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thu ngân sách tăng, sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất giảm dần

Sáng 2/2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2023. Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2, đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ sau tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại phiên họp, các ý kiến thảo luận đã thống nhất đánh giá tình hình KTXH tiếp tục xu thế tích cực, đạt nhiều kết quả trong bối cảnh số ngày làm việc tháng 1/2023 chỉ bằng 2/3 so với tháng trước và cùng kỳ.

Cụ thể, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Trong đó, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 1 tăng 12,3% so với dự toán và 8,1% so với cùng kỳ; xuất siêu 3,6 tỷ USD; an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Thị trường tiền tệ, ngân hàng ổn định, sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất tuy còn khó khăn nhưng giảm dần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực địa Dự án cao tốc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, ngày 30/1/2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực địa Dự án cao tốc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, ngày 30/1/2023.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 1 tăng 0,2% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 34,2% so với cùng kỳ 2019. Có trên 871.000 lượt khách quốc tế, tăng 23,3% so tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký mới gấp 3,1 lần, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác tiếp tục được kiểm soát tốt. An sinh xã hội được bảo đảm, 25 triệu đối tượng chính sách xã hội được hỗ trợ với kinh phí khoảng 9.500 tỷ đồng, trong đó có nhiều cách làm mới, sáng tạo như chợ 0 đồng, cửa hàng 0 đồng.

Cùng với chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tổ chức cho nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, không để ai không có tết; tổ chức, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội…

Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại ấn tượng qua thực tế trong chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án hạ tầng giao thông vừa qua về khí thế phát triển mới khi "cả nước như một công trường", sự tự tin của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành, cũng như niềm tin ngày càng được củng cố, tăng cường của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, tình hình còn những khó khăn, thách thức. Thị trường xuất khẩu thu hẹp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ. Giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài. Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn; Du lịch sôi động trở lại nhưng còn khoảng cách lớn với thời điểm trước dịch (khách quốc tế tương đương 58% so với cùng kỳ năm 2019).

Dự báo, tình hình sắp tới tiếp tục có khó khăn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, quyền hạn tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

Dành nhiều thời gian phân tích về các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, Thủ tướng yêu cầu phải điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn của chương trình phục hồi

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14.100 tỷ đồng); đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2. Bên cạnh đó, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chú trọng đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng chính sách, dự án có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp đặc thù riêng của địa phương.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Trong tháng 2, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đồng thời, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Về bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật; triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng KTXH quan trọng, chiến lược; tiếp tục đề xuất các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính...; khẩn trương hoàn thành kế hoạch và hướng dẫn sử dụng khoản tăng thu NSNN khoảng 400.000 tỷ đồng của năm 2022.

Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn.

Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc 10 dự án đường bộ cao tốc trong những ngày đầu Xuân

Ngay trong những ngày đầu năm Quý Mão 2023, từ ngày mùng 4 tới ngày mùng 9 tết, đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT) từ Nam ra Bắc với các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường không.

Cụ thể, Thủ tướng đã đi kiểm tra 10 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài của các dự án gần 600 km; dự khởi công 1 dự án đường sắt; kiểm tra, đôn đốc 1 dự án cảng hàng không là sân bay quốc tế Long Thành có quy mô lớn nhất Việt Nam; dự phát lệnh xuất khẩu đầu năm tại cảng Cát Lái – cảng biển lớn nhất Việt Nam. Thủ tướng cũng đã kiểm tra, thăm chúc Tết bà con nhân dân tại 9 điểm tái định cư; chủ trì 4 cuộc làm việc với 18 tỉnh, thành phố.

Trên hành trình làm việc của đoàn, nhiều tuyến cao tốc đang thi công với những cung đường hiểm trở, còn ngổn ngang, lầy lội bùn đất. Trong khi đó, những tuyến đường trong các dự án thuộc giai đoạn trước đang hình thành ngày càng rõ nét, nhiều đoạn đã hoàn thiện. Điểm chung của các dự án là không khí làm việc hăng say của các cán bộ, công nhân, nhiều nơi đã làm xuyên tết 2 năm liền. Thủ tướng đã biểu dương các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công nhân đã làm việc với tinh thần "xuyên tết".

Những cuộc kiểm tra thực địa để lại những ấn tượng sâu đậm về khí thế mạnh mẽ "cả nước như một công trường" với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn quân, toàn dân để hưởng ứng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu tới năm 2025 có 3.000 km cao tốc và tới năm 2030 có ít nhất 5.000 km cao tốc, tạo đột phá về hạ tầng giao thông vận tải.

Chuyến công tác này một lần nữa cho thấy ưu tiên đặc biệt của Thủ tướng dành cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng – một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam