Không vì khó khăn mà chần chừ bỏ qua cơ hội

11:08 | 04/02/2023 Print
(TBTCO) - Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế tháng 1 cho thấy xu hướng khó khăn vẫn tiếp tục, song không vì thế mà chúng ta chần chừ, lo ngại khó khăn, bỏ qua cơ hội. Nghị quyết 01 của Chính phủ đã nêu ra 11 nhóm nhiệm vụ chính, 127 nhiệm vụ cụ thể, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải nhanh chóng bắt tay ngay vào triển khai, để có thể thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra cho cả năm 2023.

PV: Thưa ông, Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố số liệu về tình hình kinh tế tháng 1 với một số thông tin đáng chú ý như: chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,52%, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 25% so với cùng kỳ năm trước… Ông đánh giá thế nào về những tín hiệu này?

Không vì khó khăn mà chần chừ bỏ qua cơ hội
TS. Nguyễn Đức Kiên

TS. Nguyễn Đức Kiên: Năm 2023 mới bắt đầu chỉ một tháng nên chưa thể nói lên điều gì rõ ràng. Hơn nữa, tháng 1 diễn ra Tết Nguyên đán với thời gian nghỉ khá dài, ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, có thể thấy xu thế của tháng 1 phản ánh đúng những nhận định trước đây về xu thế kinh tế thế giới năm 2023. Những thông tin về tình hình kinh tế tháng 1 không có gì quá bất ngờ, khi nó tiếp nối một số tín hiệu khó khăn đã xuất hiện từ cuối năm 2022 như: xuất nhập khẩu giảm, áp lực lạm phát gia tăng, doanh nghiệp còn khó khăn…

Trong bối cảnh hiện nay, điều rõ nét nhất chính là sự bất định, khó dự báo. Trong đó có 3 vấn đề bất định đáng phải chú ý nhất. Đó là cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine không còn là cuộc khủng hoảng giữa 2 nước mà đang trở thành cuộc đối đầu của Nga và toàn bộ các nước NATO, đứng đầu là Mỹ. Các cực địa chính trị trên thế giới sau sự việc Ukraine đang đẩy nhanh tốc độ phân rã, hình thành cực chính trị mới, chưa ai hình dung được sẽ hoạt động ra sao. Các biện pháp điều hành kinh tế tại Mỹ, EU dường như không dựa trên các dữ liệu phân tích kinh tế mà dựa trên ý chí chính trị của nhà cầm quyền.

Các yếu tố bất định này tác động mạnh đến sự vận hành của kinh tế thế giới, mà cả 3 yếu tố đó chúng ta đều không dự báo hay kiểm soát được. Chẳng hạn, chúng ta không thể biết được FED sẽ tăng lãi suất đến khi nào, tăng bao nhiêu? Các nền kinh tế khác sẽ đối phó vấn đề này thế nào? Với Việt Nam, tôi vẫn nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra cho năm 2023 là rất cao.

PV: Trong bối cảnh khó lường như vậy, có một sự kiện được cho là sẽ tác động đáng kể đến kinh tế toàn cầu, cũng như Việt Nam, đó là việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm đóng cửa vì dịch Covid-19. Theo ông, chúng ta có thể tận dụng cơ hội này như thế nào?

TS. Nguyễn Đức Kiên: 3 năm vừa qua là một phép thử để xem Trung Quốc không cần thế giới có tồn tại và phát triển được không và ngược lại, thế giới không có Trung Quốc sẽ ra sao. Câu trả lời là Trung Quốc vẫn duy trì tốt các hoạt động kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng tích cực, chủ động trong hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô.

Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng một mô hình kinh tế bản sắc Trung Quốc. Với Việt Nam, có rất nhiều cơ hội có thể khai thác trong việc Trung Quốc mở cửa trở lại và đặc biệt là những cơ hội từ thành quả ngoại giao đã đạt được qua chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta phải uyển chuyển, thay đổi tư duy trong cách tiếp cận thị trường.

Không vì khó khăn mà chần chừ bỏ qua cơ hội

Nguồn: Vietdata

Thị trường Trung Quốc rất rộng lớn, nhưng với GDP bình quân đầu người trên 12.000 USD, tiêu chuẩn của người tiêu dùng đang ngày một cao hơn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được hệ tiêu chuẩn, tiêu chí cho hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện nay, thu nhập người dân ở nhiều vùng phía Tây Trung Quốc còn thấp, nên hàng hóa Việt Nam vẫn vào được, nhưng ở các thành phố lớn như Quảng Châu thì chưa.

Về lâu dài, phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để giảm chi phí logistic cho hàng hóa xuất khẩu, nếu không sẽ ngày càng khó cạnh tranh khi nhiều nước trong khu vực đang mạnh tay đầu tư kết nối giao thông, giảm chi phí logistic của hàng hóa xuất khẩu của họ sang Trung Quốc.

PV: Thị trường thế giới nhiều biến động và rất cạnh tranh, vậy thì bên cạnh việc linh hoạt ứng phó, đâu là những giải pháp chúng ta cần tập trung, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Nội lực luôn là quan trọng nhất. Để nâng cao sức mạnh nội lực, theo tôi có 3 vấn đề cần chú trọng. Thứ nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư công, cải thiện cơ sở hạ tầng, từ đó giảm chi phí logistic. Hai là phân giao rõ ràng đâu là lĩnh vực nhà nước đầu tư, đâu là lĩnh vực các thành phần khác có thể đầu tư vào và trách nhiệm của nhà nước trong việc tạo điều kiện cho họ. Thứ ba là thay đổi nhận thức trong quá trình số hóa. Bên cạnh việc số hóa hoạt động hành chính nhà nước, phải tạo điều kiện nhiều hơn cho quá trình số hóa của doanh nghiệp.

Trong đó, để nâng cao hiệu quả đầu tư công, tôi cho rằng nên duyệt và cấp ngân sách theo tiến độ dự án, thay vì theo gói ngân sách hàng năm, để tiền được đưa vào đúng những dự án giải ngân tốt, sớm phát huy hiệu quả. Nhìn vào con số FDI, ODA năm 2022 và tháng 1/2023 có thể thấy, nếu không có đầu tư công thì khó thu hút FDI và đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. Muốn thu hút được vốn đầu tư ngoài nhà nước thì vốn đầu tư công phải được triển khai nhanh, mạnh, chứ không thể nhỏ giọt.

Gộp nhiều nội dung trong một nghị quyết

Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 nêu ra 11 nhóm nhiệm vụ chính và 127 nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ, ngành, địa phương. Điểm mới của Nghị quyết 01 năm nay là gộp cả nội dung Nghị quyết 02 trước đây về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

PV: Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Nghị quyết có những điểm gì mới cần lưu ý, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 nêu ra 11 nhóm nhiệm vụ chính và 127 nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ, ngành, địa phương. Điểm mới của Nghị quyết 01 năm nay là gộp cả nội dung Nghị quyết 02 trước đây về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về cơ bản, nghị quyết vẫn là nêu các đầu việc cụ thể cần triển khai trong năm với từng bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên có một điểm mới nữa là giao quyền chủ động hơn cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở nghị quyết triển khai nhiệm vụ, có quyền quyết định ưu tiên triển khai, cái nào làm được trước thì làm trước để sớm phát huy hiệu quả, cái nào chưa làm được thì để sau, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam