Nâng tầm cà phê thương hiệu Việt từ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột

14:33 | 03/02/2023 Print
(TBTCO) - Với 6 nhóm chương trình của 19 hoạt động liên quan đến thương hiệu, hình ảnh cà phê kéo dài trong 5 ngày tại Lễ hội Cà phê Buôn Mê Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk mong muốn đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới và khẳng định mạnh mẽ vị thế của cà phê Việt Nam với thị trường quốc tế.

Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân Đắk Lắk là một đại sứ thương hiệu

Phát biểu tại buổi họp báo về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng ngày 3/2, bà H`Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Bà H`Yim Kđok - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh Đỗ Doãn
Bà H`Yim Kđok - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh Đỗ Doãn

Trong khi đó, Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ Cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Mê Thuột năm 2023 tiếp tục mời Hoa hậu H`Hen Niê làm đại sứ truyền thông và đặc biệt mời đội ngũ những người làm truyền thông, sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội tham gia truyền thông trên mạng internet, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên của Đắk Lắk đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Được sự thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, định kỳ hai năm một lần, tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ hội cà phê nhằm tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp; thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Đắk Lắk; quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, khẳng định mạnh mẽ vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

‘‘Do công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng nên công tác chuẩn bị đã được tỉnh triển khai với phương châm “Mỗi người dân địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là một đại sứ truyền thông’’ - bà H`Yim Kđoh nhấn mạnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột thu hút khá nhiều doanh nghiệp liên quan tham gia. Ảnh Đỗ Doãn
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột thu hút khá nhiều doanh nghiệp liên quan tham gia. Ảnh Đỗ Doãn

Nhiều hoạt động mới nâng tầm thương hiệu cà phê Việt

Chia sẻ thêm thông tin về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm nay, bà H`Yim Kđoh cho biết, đây lần thứ 8 lễ hội được tổ chức. Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ 10 đến hết 14/3; với 6 nhóm gồm 19 hoạt động chính.

Bên cạnh các hoạt động xúc tiến kết nối giao thương quốc tế giữa nhà cung cấp cà phê với các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động nâng tầm thương hiệu cà phê Việt như cuộc thi nhiếp ảnh lựa chọn sản phẩm trưng bày tại Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Văn hóa cà phê Việt Nam” với chủ đề “Cà phê Việt Nam - Hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới”.

Kế đến là cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột để thông tin, truyền thông về lễ hội, giới thiệu sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột trong và ngoài nước; Lễ hội ánh sáng dự kiến trình diễn chiếu ánh sáng nghệ thuật khác nhau như nghệ thuật ánh sáng tương tác, chiếu sáng nghệ thuật đường phố kèm theo âm nhạc trên các tuyến phố của TP. Buôn Ma Thuột.

Tiếp nữa là Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê nhằm góp phần thông tin về giá trị của thân, gốc, rễ cây cà phê già cỗi sau khi hết chu kỳ canh tác, giúp tạo thêm thu nhập thêm cho người trồng và các nghệ nhân chế tác qua tận dụng thân gốc.

Toàn cảnh buổi họp báo về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh Đỗ Doãn
Toàn cảnh buổi họp báo về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh Đỗ Doãn

‘‘Cuối cùng là hoạt động biểu diễn với vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” để giới thiệu, quảng bá một sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc ca ngợi khát vọng, vẻ đẹp lãng mạn đầy kiêu hùng của người Êđê ở Tây Nguyên, anh hùng Dam Săn; phục dựng, bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa, kích cầu hoạt động du lịch…’’ – bà H`Yim Kđoh nói.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 được kỳ vọng sẽ để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp và là cơ hội tốt cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng bạn bè trên thế giới có dịp gặp gỡ, trao đổi hợp tác kinh doanh góp phần đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển du lịch, giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa cà phê, về con người, tạo dựng hình ảnh về một Đắk Lắk năng động, thân thiện, lịch sự, mến khách.

Đỗ Doãn - Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam