Ngày 5/2: Thị trường cà phê, hồ tiêu biến động không đồng nhất

09:26 | 05/02/2023 Print
(TBTCO) - Tuần qua, thị trường cà phê biến động không đồng nhất; thời điểm cuối tuần, một số địa phương ghi nhận mức chênh lệch 100 - 200 đồng/kg so với đầu tuần. Thị trường hồ tiêu cũng ghi nhận biến động nhẹ; so với đầu tuần, các tỉnh trọng điểm ghi nhận mức tăng 500 - 1.000 đồng/kg
Ngày 5/2: Thị trường cà phê, hồ tiêu biến động không đồng nhất
Ảnh tư liệu minh họa.

Giá cà phê trong nước

Giá cà phê trong tuần qua tăng - giảm trái chiều giữa các ngày. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận mức chênh lệch 100 - 200 đồng/kg.

Trong đó, tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh tăng 200 đồng/kg lên mức 42.400 đồng/kg.

2 tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cùng thu mua với mức 42.700 đồng/kg sau khi giảm nhẹ 100 đồng/kg.

Riêng giá cà phê tại Kon Tum và Đắk Lắk không có thay đổi so với đầu tuần, lần lượt là 42.700 đồng/kg và 42.800 đồng/kg.

Ngày 5/2: Thị trường cà phê, hồ tiêu biến động không đồng nhất
Biến động giá cà phê trong tuần qua. Đơn vị: đồng/kg.

Thông tin cà phê thế giới

Trong tháng 1/2023, giá cà phê robusta tăng mạnh so với cuối năm 2022, đạt mức cao nhất trong ba tháng, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Trên sàn giao dịch London, ngày 28/1/2023, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng tháng 3/2023, tháng 5/2023, tháng 7/2023 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 12,6%, 11,9%, 10,9% và 9,7% so với ngày 30/12/2022, lên mức 2.053 USD/tấn; 2.016 USD/tấn; 1.983 USD/tấn và 1.948 USD/tấn.

Tại cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh, cà phê robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.083 USD/tấn, chênh lệch +30 USD/tấn, tăng 229 USD/tấn (tương đương tăng 12,3%) so với ngày 30/12/2022.

Cuối tháng 1/2023, giá cà phê arabica được hỗ trợ khi đồng Real tăng so với đồng USD khiến người trồng cà phê Brazil hạn chế bán ra. Tuy nhiên, tồn kho ở mức cao khiến giá cà phê arabica tăng chậm.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/1/2023, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023 và tháng 9/2023 giảm lần lượt 0,1% và 0,6% so với ngày 30/12/2022, xuống còn 169,9 US cent/lb và 167,95 US cent/lb.

Ngược lại, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 5/2023 tăng 0,2% so với ngày 30/12/2022, lên mức 170,05 US cent/ lb; giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 7/2023 ổn định ở mức 169,4 US cent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/1/2023, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 3/2023 và tháng 5/2023 tăng lần lượt 5,2% và 1,9% so với ngày 30/12/2022, lên mức 229,7 US cent/lb và 218,55 US cent/lb.

Ngược lại, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 9/2023 giảm 0,1% so với ngày 30/12/2022, xuống còn 205,8 US cent/lb; giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 7/2023 ổn định ở mức 208,7 US cent/lb.

Giá tiêu trong nước

Giá tiêu tuần này phần lớn ổn định, chỉ biến động vào hai ngày thứ Năm (2/2) và thứ Sáu (3/2). So với đầu tuần, giá thu mua tại các tỉnh trọng điểm tăng 500 - 1.000 đồng/kg.

Theo khảo sát, mức giá thấp nhất hiện là 56.000 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Gia Lai, tăng 500 đồng/kg.

Kế đó là ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Đồng Nai với chung mức 57.000 đồng/kg sau khi tăng 500 đồng/kg.

Tương tự, giá hồ tiêu tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt tăng 500 đồng/kg và 1.000 đồng/kg, tương ứng với mức 58.000 đồng/kg và 59.000 đồng/kg.

Ngày 5/2: Thị trường cà phê, hồ tiêu biến động không đồng nhất
Biến động giá tiêu trong tuần qua. Đơn vị: đồng/kg.

Thị trường hồ tiêu thế giới

Theo số liệu từ Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia, xuất khẩu hồ tiêu của nước này trong 11 tháng/2022 đạt 8.303 tấn, giảm hơn 70% so với cùng kỳ.

Hiện, Campuchia đang xuất khẩu tiêu tới 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản phẩm chính là tiêu thông thường và tiêu Kampot, một sản phẩm chỉ dẫn địa lý.

Ông Mak Ny, Chủ tịch Liên đoàn Hồ tiêu và Gia vị Campuchia (CPSF), cho biết, xuất khẩu tiêu giảm do kinh tế toàn cầu vẫn chưa hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Việc thiếu vắng khách du lịch kéo theo đơn đặt hàng đối với hàng tiêu dùng như hồ tiêu giảm xuống.

Sản lượng tiêu của Campuchia hàng năm vào khoảng 20.000 tấn với diện tích gần 7.000 ha, nhưng sản lượng này đã giảm khoảng 10 - 20%. Ông Mak Ny cho biết, hồ tiêu được trồng chủ yếu để xuất khẩu vì tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 5 - 7% lượng sản xuất mỗi năm.

Còn theo ông Ngoun Lay, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu Kampot (KPPA), doanh số bán hàng đã giảm đáng kể từ đầu năm 2022 đến nay. Tính đến tháng 11 xuất khẩu tiêu Kampot chỉ đạt hơn 80 tấn, trong khi cùng kỳ là hơn 114 tấn.

Các đơn đặt hàng dường như đã chững lại với hầu hết công ty cho rằng đó là do sự mất giá của đồng Euro so với đồng USD, bởi phần lớn khách hàng châu Âu dùng đồng USD để mua tiêu từ Hiệp hội. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kéo dài ở Ukraine cũng khiến đơn đặt hàng giảm sút.

“Do cuộc xung đột tại Ukraine, nhu cầu đối với các sản phẩm xa xỉ của người dân ở EU giảm, do đó các đơn đặt hàng cũng giảm theo”, ông Ngoun Lay cho biết.

Ông cũng nói thêm rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay, bởi các nhà kinh doanh đã bắt đầu yêu cầu nông dân giảm giá tiêu Kampot. Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa đồng ý vì lợi nhuận của họ đang ở mức thấp./.

H.A (t/h)

© Thời báo Tài chính Việt Nam