Thách thức và cơ hội xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023

17:31 | 06/02/2023 Print
(TBTCO) - Bước sang năm mới 2023, cùng với cơ hội từ thị trường thì xuất khẩu các ngành hàng nông sản của nước ta được dự báo vẫn còn nhiều thách thức và cần nhiều nỗ lực để duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản.
Năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản đối diện thách thức và cơ hội gì?
Tháng 1/2023 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Ảnh: NNK

Xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 23%

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1/2023 giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt hơn 1,7 tỷ USD, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 600 triệu USD, giảm gần 31%; giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm gần 30% so với tháng 1 năm trước.

Bộ NN&PTNT lý giải do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão cũng như tác động của khó khăn về đơn hàng, khiến giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2023 của Việt Nam giảm.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong năm 2022 nhưng trong tháng đầu năm nay lại giảm về giá trị xuất khẩu. Điển hình, kết thúc tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đem về 600 triệu USD, giảm tới 31% so với tháng 1/2022.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn.

Đối với mặt hàng lâm sản, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cũng cho biết trong năm 2022, ngành gỗ trải qua hai giai đoạn khác biệt, nửa đầu năm giá trị xuất khẩu tăng cao, nhưng nửa cuối năm đơn hàng giảm sút, mất đơn hàng, các doanh nghiệp cắt giảm lao động…

Năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản đối diện thách thức và cơ hội gì?
Tháng 1/2023, xuất khẩu trái cây đã tăng trưởng mạnh mẽ với ước mức tăng tới 25%. Ảnh: NNK

Nhiều cơ hội duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản

Mặc dù giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1/2023 sụt giảm bởi lý do khách quan nhưng ngành Nông nghiệp vẫn kỳ vọng tiếp tục duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản trong năm 2023.

Bên cạnh mảng tối của bức tranh xuất khẩu đầu năm 2023 còn có những mảng sáng. Đó là nhiều mặt hàng nông sản tuy có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm trong năm 2022 nhưng tăng giá trị trong tháng đầu năm nay. Ví dụ, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước trong tháng 1/2023 đạt 30 triệu USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước... Hay như ở mặt hàng rau quả, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2022 là 3,3 tỷ USD, giảm 5,68% so với năm 2021; nhưng bước sang tháng 1/2023, xuất khẩu trái cây đã tăng trưởng mạnh mẽ với ước mức tăng tới 25% so với cùng kỳ năm trước...

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7 - 9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên. Nếu không có nhiều thay đổi, dự kiến đến quý II/2023, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82 - 85%... Sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ sẽ hồi phục vào cuối quý I/2023.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, các mặt hàng mới gia nhập đường đua xuất khẩu chính ngạch có đơn hàng bổ sung theo ngày.

"Một là do nhu cầu của thị trường, sức mua tại châu Âu và Mỹ đang phục hồi nhanh hơn so với dự báo rằng thời điểm phục hồi là cuối quý II/2023. Trong khi đó, mặt hàng trái cây tươi tiêu thụ nhanh, do vậy đối tác đặt đơn mới theo ngày, nhất là từ thị trường Trung Quốc" - ông Nguyễn Đình Tùng cho biết.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có cơ hội duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản trong năm 2023, do tiềm năng còn rất lớn và có thể đi xa hơn. Nhưng trước mắt, cần củng cố độ an toàn của sản xuất nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường. Về lâu dài, cần tìm ra giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu, giảm bớt giá thành sản xuất và tăng thị phần của doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến nghị, trên bất kỳ thị trường nào thì nông sản Việt cũng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thương hiệu. Do vậy, điều cần làm ngay với sản xuất nông nghiệp trong nước là thực hiện tập trung sản xuất, nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính, mà một trong những yêu cầu bắt buộc là truy xuất nguồn gốc.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 54 - 55 tỷ USD.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam