Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023

06:15 | 08/02/2023 Print
(TBTCO) - Dù dư địa chính sách tài khóa trong năm 2023 đứng trước nhiều khó khăn, song nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các giải pháp về giãn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí trong năm 2023.

Đề xuất gia hạn hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế

Về cơ bản, các chính sách tài khóa liên quan đến hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi vẫn tiếp tục thực hiện trong năm 2023, tuy nhiên, gói hỗ trợ đã thực hiện phần lớn trong năm ngoái, chỉ còn khoảng 1/3 tổng gói hỗ trợ còn lại cho năm nay.

Thuộc chức năng thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đánh giá các gói hỗ trợ đã hết hiệu lực, để đề xuất Chính phủ đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023 này. Trả lời báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước năm nay như mức áp dụng trong năm 2022. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp của năm 2023. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất tiếp tục giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2023. Theo dự thảo nghị định, với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 1 đến tháng 5/2023 và quý I/2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II/2023. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 và quý I, quý II/2023 là khoảng 64.000 - 65.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.

Đối với thuế TNDN, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2023. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Ước tính số thuế được gia hạn khoảng 42.800 - 43.600 tỷ đồng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của năm 2023 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2023.

Linh hoạt, thận trọng điều hành chính sách tài khóa

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 dự báo tiếp tục là năm khó khăn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, việc Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ việc gia hạn, kéo dài, giãn, hoãn thời gian nộp thuế, như chính sách đã thực hiện trong năm 2022, đồng thời đề xuất giảm 30% tiền thuê đất, sẽ tiếp tục là cú hích, góp phần giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp. Việc tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp cũng như các vấn đề liên quan khác, góp phần đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển. Khi doanh nghiệp phát triển sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết được lao động, tăng thu cho ngân sách và đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến bày tỏ lo ngại khi kinh tế Việt Nam năm 2023 dù được hỗ trợ bởi đà phục hồi kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2022, tác động tích cực của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023, nhưng cũng sẽ đối mặt với không ít các rủi ro, thách thức. Theo đó, một số động lực về phía cầu có thể sẽ chậm lại trong năm 2023. Xuất khẩu năm 2023 tuy có một số thuận lợi, đó là thị trường Trung Quốc đã có dấu hiệu mở cửa và giá cả hàng hóa thế giới vẫn ở mức cao, nhưng sẽ đối mặt với khó khăn do triển vọng kinh tế thế giới với nguy cơ suy thoái có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương mại toàn cầu. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023 có thể chững lại và ảnh hưởng đến tăng trưởng nhập khẩu.

Đã hỗ trợ hơn 233 nghìn tỷ đồng từ chính sách tài khóa trong năm 2022

Năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... Tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế dự kiến khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, lạm phát trong nước chịu nhiều áp lực tăng. Tác động từ lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới vẫn ở mức cao trong năm 2023; sự phục hồi của cầu tiêu dùng và giải ngân đầu tư công; áp lực từ xu hướng tăng của tỷ giá, lãi suất…, sẽ tác động lên lạm phát nước ta.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, dư địa tài khóa để phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023 đứng trước nhiều khó khăn. Thu NSNN phụ thuộc vào đà phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Thực tế, tăng trưởng kinh tế trong nước cuối năm 2022 đã có dấu hiệu chững lại, khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu năm 2023 khó khăn sẽ ảnh hưởng đến thu NSNN. Trong khi đó, đầu tư công nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh sau 2 năm giải ngân chậm tiến độ. Mặc dù đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế phục hồi nhưng cũng sẽ tạo áp lực với việc huy động và quản lý NSNN. Do đó, năm 2023 tiếp tục cần điều hành chính sách tài khóa linh hoạt nhưng thận trọng, nhằm thực hiện cho được các mục tiêu về tài chính - NSNN đặt ra, nhưng vẫn hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô.

Kiên định ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, toàn ngành Tài chính từ trung ương đến địa phương đã quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp tài chính - NSNN, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023. Theo đó, kiên định mục tiêu tổ chức thực hiện quyết liệt nhiệm vụ thu NSNN, phấn đấu tăng thu so với dự toán; điều hành chi theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả... Qua đó, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán Quốc hội quyết định, đồng thời có nguồn xử lý các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh.

Do đó, năm 2023 Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các giải pháp huy động và sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương trình, bảo đảm đáp ứng kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi của NSNN nói chung và thuộc Chương trình nói riêng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển.

Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023, toàn ngành Tài chính đã vào cuộc với tâm thế mới và quyết tâm cao. Các đơn vị đã khẩn trương, sát sao trong thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm, nhằm nâng cao chất lượng, kỷ cương, kỷ luật và hiệu quả trong thực thi công vụ.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương Bộ Tài chính thực hiện tốt các chính sách tài khóa, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Tháng đầu tiên của năm, thu NSNN đạt hơn 11,3% dự toán, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu có sự khởi sắc... Phát biểu tại cuộc họp giao ban mới đây của Bộ Tài chính, người đứng đầu ngành Tài chính đã đặc biệt nhấn mạnh, năm 2023 toàn ngành Tài chính tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách tài khóa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. “Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, doanh nghiệp có mạnh thì tài chính mới vững mạnh”- Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam