Lãi suất cho vay vẫn không có nhiều thay đổi

13:23 | 08/02/2023 Print
(TBTCO) - Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng có điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng trong thời gian qua, mặc dù mức độ giảm không đáng kể. Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8% - 9,5% đối với tiền gửi thông thường, nhưng lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi – vẫn ở mức trung bình khoảng 12% - 16%/năm.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần của SSI Research cho biết, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng có phần nào căng thẳng trong những ngày đầu sau Tết Nguyên đán, nhưng đã được cải thiện hơn về cuối tuần.

Theo đó, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) linh hoạt sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, trong đó xu hướng nghiêng nhiều về bơm ròng. Cụ thể, 77,2 nghìn tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày được phát hành trên kênh trên kênh mua kỳ hạn với lãi suất 6%. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục việc mua bổ sung dự trữ ngoại hối. Kết tuần, NHNN bơm ròng 49,5 nghìn tỷ đồng, khối lượng lưu hành tăng trên kênh mua kỳ hạn, lên 102 nghìn tỷ trong khi đó kênh tín phiếu giảm mạnh xuống chỉ còn 15 nghìn tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì quanh vùng 6%, trong khi các kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng giảm nhiệt về 6,5 - 8,2% (giảm 20 - 40 điểm cơ bản). Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, do tính chất giao dịch trên thị trường 2, khối lượng giao dịch liên ngân hàng ở các kỳ hạn dài hơn thường không có thanh khoản và do vậy biến động lãi suất kỳ hạn này thường không mang nhiều ý nghĩa.

Ngân hàng Nhà nước đã công bố định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14 - 15%, và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường.

“Đối với lãi suất thị trường, chúng tôi quan sát thấy mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đó có điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng trong thời gian qua, mặc dù mức độ giảm không đáng kể (chỉ 50 điểm cơ bản). Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8% - 9,5% đối với tiền gửi thông thường, nhưng lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi – vẫn ở mức trung bình khoảng 12% - 16%/năm” – chuyên gia của SSI Research cho hay.

Lãi suất cho vay vẫn không có nhiều thay đổi

Cũng theo thông tin từ SSI Research, NHNN đã ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN về việc tính tỷ lệ đảm bảo an toàn (tỷ lệ LDR), trong đó thay đổi đáng chú ý nhất đến từ lộ trình nới lỏng hơn trong việc tính tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Khác với dự thảo trước đó, Thông tư 26 có thể được nhìn nhận là một cách hỗ trợ thanh khoản thị trường về trung và dài hạn, khi không loại bỏ lượng tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng ra khỏi công thức tính. Trước đó, NHNN cũng đã công bố định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14 - 15% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường.

Tỷ giá USD/VND đi ngang

Theo báo cáo của SSI Research, trên thị trường ngoại hối trong nước, áp lực từ thị trường tiền tệ khiến tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng bật tăng trong đầu tuần và bắt đầu hạ nhiệt về cuối tuần.

Theo yếu tố mùa vụ, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục trạng thái tích cực, như kiều hối, dòng vốn FDI giải ngân (1,35 tỷ USD), FII (dòng vốn vào ròng vào thị trường cổ phiếu Việt Nam tháng thứ 4 liên tiếp) hay cán cân thương mại thăng dư lớn (ước tính 3,6 tỷ USD).

Kết thúc tuần, tỷ giá niêm yết từ Vietcombank giảm 10 đồng/USD, trong khi tỷ giá chợ đen tăng 20 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng dao động quanh mốc giá mua USD trên Sở giao dịch NHNN 23.450 VNĐ/USD, và NHNN tiếp tục ghi nhận nghiệp vụ mua USD nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối.

Lãi suất cho vay vẫn không có nhiều thay đổi

Trong khi đó, trên thế giới, trong tuần qua, các ngân hàng trung ương lớn bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đồng loạt tăng lãi suất điều hành, với mức tăng lần lượt là 25, 50 và 50 điểm cơ bản.

Theo đánh giá của SSI Research, nhìn chung, mặc dù giọng điệu đã phần nào ôn hòa hơn giai đoạn trước, song các ngân hàng trung ương lớn vẫn còn khá quan ngại về rủi ro lạm phát và việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới vẫn sẽ phụ thuộc vào tốc độ giảm nhiệt của lạm phát. Trong khi đó, Mỹ ghi nhận nhiều thông tin kinh tế đáng chú ý ở thị trường lao động, với kết quả tích cực hơn nhiều so với dự báo, và khiến cho tâm lý thị trường đảo chiều từ tích cực sang tiêu cực, khi số liệu tích cực về thị trường lao động sẽ khiến FED phải cân nhắc hơn.

Biến động của đồng USD (thông qua chỉ số DXY) có diễn biến tương tự, khi giao dịch kém tích cực trong đầu tuần và bật tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ 6. Kết tuần, DXY tăng 0,9%, trong khi các đồng tiền chủ chốt giảm mạnh so với USD như GBP -2,7%. JPY -1,2%, EUR -0,56%,…/.

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam