Lừa đảo chiếm đoạt tài khoản trên không gian mạng: Thủ đoạn ngày càng tinh vi

07:47 | 10/02/2023 Print
(TBTCO) - Đối tượng phạm pháp lừa đảo trên không gian mạng thông qua hình thức mời gọi trúng thưởng chiếm đoạt tài khoản để trục lợi có dấu hiệu tái diễn từ trước, trong và sau dịp Tết Quý Mão 2023. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến nghị người tham gia không gian mạng nêu cao cảnh giác để tránh bị thiệt hại về tài sản.

Mạo danh nhãn hàng và ngân hàng để lừa đảo

Số liệu từ Dự án Chống lừa đảo (dự án phi lợi nhuận, do Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội chống lừa đảo thực hiện) cho thấy, từ ngày 19 đến 27/1/2023, đã có 181 website lừa đảo chiếm đoạt thông tin người dùng được phát hiện và ngăn chặn.

Đối tượng phạm pháp dùng chiêu thức mạo danh nhãn hàng, ngân hàng nhằm đánh cắp thông tin, chiếm tài khoản để trục lợi lại tiếp diễn với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các trang web chủ yếu lợi dụng tâm lý trúng thưởng, mua sắm dịp Tết Quý Mão 2023 để lừa đảo, trục lợi. Gần đây xuất hiện một chiến dịch phát tán đường link độc hại để thu thập thông tin bằng cách giả mạo các chương trình khuyến mại dịp tết của một số thương hiệu. Những website giả này đa phần có link lạ như ".xyz".".top". “.online"...

Không chỉ chiếm đoạt tài khoản để lừa đảo bằng cách mời chào trúng thưởng, hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" trong dịp Tết Quý Mão 2023 có dấu hiệu gia tăng, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, gây ra hệ lụy mất trật tự trị an, thách thức đối với cơ quan chức năng.

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cảnh báo người tham gia không gian mạng cảnh giác với thủ đoạn cho vay tiền thông qua ứng dụng (app) hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh, thiếu niên... vay tiền với lãi suất “cắt cổ” để trục lợi. Chính vì vậy, người tham gia không gian mạng cần nêu cao cảnh giác để tránh bị thiệt hại về tài sản một cách uổng phí do bất cẩn.

Nêu cao cảnh giác khi tham gia không gian mạng

Để phòng tránh lừa đảo, Cục Cảnh sát hình sự cũng khuyến nghị, người dùng cần nâng cao cảnh giác, mỗi khi nhận được một tin nhắn hay cuộc gọi thì không vội tin ngay, mà nên xác minh lại trực tiếp với các thông tin liên lạc công khai của các tổ chức có liên quan.

Người dùng tuyệt đối không tham gia mua bán đơn hàng ảo trên trang thương mại điện tử dưới hình thức cộng tác viên, nhân viên online…; không nhập thông tin vào các đường link lạ gửi qua SMS, Zalo, Facebook. Bên cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp thông tin số thẻ, mã CVC2, mã OTP… cho bất cứ đối tượng hoặc đường link nào, kể cả người xưng danh là nhân viên ngân hàng, công an...

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông đã áp dụng các hệ thống kỹ thuật riêng chỉ đạo, điều phối các nhà mạng viễn thông ngăn chặn, xử lý 15 website giả mạo công ty tài chính chính thống (như Homecreadit, Lotte Finance…) để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến.

Nguồn: chinhphu.vn
Nguồn: chinhphu.vn

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, phát thanh, truyền hình, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm nói chung và cho vay tài chính “tín dụng đen” nói riêng.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước tăng cường rà soát, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng để ngăn chặn hoạt động vi phạm; yêu cầu mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ các đường link lừa đảo liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”; nghiên cứu áp dụng các công cụ kỹ thuật để rà quét thông tin trên mạng về nội dung “tín dụng đen”, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin cho các bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi phạm tội trên không gian mạng và trên phạm vi toàn quốc.Ngoài việc chỉ đạo các nhà mạng viễn thông ngăn chặn, xử lý các trang web giả mạo công ty tài chính như nêu trên, trong công tác phối hợp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xác minh và cung cấp thông tin cho cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an và các cơ quan chức năng hơn 40 sự vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thông qua ứng dụng (app) hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh, thiếu niên... vay tiền.box: Thủ đoạn lừa đảo bắt kịp xu thế công nghệ

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, xu hướng tấn công lừa đảo trong năm 2023 phổ biến là giả mạo các trang web ngân hàng, ví điện tử để lừa người dùng đăng nhập nhằm lấy trộm thông tin. Không chỉ sử dụng tin nhắn, các đối tượng lừa đảo còn dùng các cuộc gọi brandname (hiển thị tên thương hiệu). Người dùng ngày càng có nhu cầu đa dạng, đi cùng sự phát triển công nghệ, nên tương tác người dùng cũng phát triển đa dạng nhiều hình thức... Thủ đoạn lừa đảo sẽ ngày càng tinh vi hơn và bắt kịp xu thế công nghệ hơn.

* Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an:

Quyết tâm đảm bảo an ninh trật tự trên không gian mạng

Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Trung tướng Nguyễn Minh Chính

Hiện nay, tình hình an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng.

Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đơn vị đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác nghiệp vụ cơ bản, đấu tranh hiệu quả, xử lý nghiêm các hội nhóm, đối tượng chống phá trọng điểm; ngăn chặn, xử lý các vụ việc, điểm “nóng” gây dư luận xấu, phức tạp trên mạng; kịp thời phát hiện, xử lý hoạt động tấn công mạng. Đơn vị đã đấu tranh, triệt phá, phối hợp cơ quan điều tra các cấp khởi tố 37 vụ án, 245 bị can.

Năm 2023, đơn vị tiếp tục nắm chắc tình hình trên không gian mạng; chủ động tổng hợp, phân tích, đánh giá và dự báo, thực hiện hiệu quả công tác tham mưu đấu tranh, ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng, bảo vệ lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia…

* TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh:

Người dân cần phải biết tự bảo vệ thông tin của mình

Thủ đoạn ngày càng tinh vi
TS. Phan Phương Nam

Những năm gần đây, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày một gia tăng với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Nhiều vụ việc đã bị các cơ quan chức năng xử lý, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cảnh giác.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa ý thức được việc thông tin cá nhân là một tài sản tuyệt mật, cho nên nhiều người bị mất thông tin, mất tài khoản mạng xã hội, vô tình trở thành công cụ cho các đối tượng lừa đảo. Ví như, người dân dễ dàng chụp và đăng tải các thông tin cá nhân như căn cước công dân, hộ chiếu để khoe. Ngoài ra, nhiều người sử dụng mật khẩu dễ nhớ nên dễ bị các hacker lợi dụng để ăn cắp mật khẩu.

Vì vậy, người dân cần phải biết tự bảo vệ thông tin của mình để không tạo điều kiện cho những chủ thể có ý đồ dễ dàng ăn cắp thông tin cá nhân và sử dụng vào những mục đích bất chính.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng nặng các hình thức xử lý đối với các hành vi lợi dụng công nghệ ăn cắp thông tin cá nhân, không chỉ là biện pháp hành chính mà cả biện pháp hình sự để xử lý nghiêm minh, thích đáng các hành vi vi phạm.

Nguyễn Vân - Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam