Đầu Xuân, lắng nghe trải lòng của những người “gác cửa” nền kinh tế

19:14 | 10/02/2023 Print
(TBTCO) - Nhận diện các vụ án lớn về buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền để tránh thất thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, không ít lần, lực lượng Hải quan TP. Hồ Chí Minh phải đối đầu với những tội phạm buôn ma túy xuyên quốc tế vô cùng nguy hiểm. Bỏ qua hay giữ lại để kiểm tra hàng hóa, rất cần sự bản lĩnh của những người “gác cửa” cho kinh tế thành phố.
Đầu Xuân, lắng nghe trải lòng của những người “gác cửa” nền kinh tế

20 bưu kiện với hơn 10 kg ma túy tổng hợp và 18 kg cần sa được các đối tượng giấu trong các lô hàng quà biếu. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Gian nan chống buôn lậu

“Đầu tư, làm ăn thì Việt Nam luôn chào đón. Tuy nhiên, có những người toàn đem ma túy, vũ khí, súng ống đạn dược vào….” - Cục Trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Đinh Ngọc Thắng trải lòng khi nói về cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại. Năm 2022, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 3.000 vụ vi phạm pháp luật về hải quan, trị giá hàng vi phạm lên đến hơn 3.300 tỷ đồng.

“Trong 5 năm qua, chúng tôi cũng đã bắt giữ, xử lý khoảng hơn 8.000 vụ việc vi phạm liên quan quy định pháp luật về hải quan. Trị giá vi phạm khoảng hơn 7.000 tỷ đồng. Đã có nhiều vụ án bị khởi tố. Thời điểm tháng 11 và tháng 12/2022, chúng tôi đã vượt thu cho ngành Hải quan khoảng 22.000 tỷ đồng” - ông Thắng nói.

Ông Thắng cho biết, để có được những con số ấn tượng này, không ít lần cán bộ hải quan đối diện với tội phạm, vụ việc vô cùng nguy hiểm, phức tạp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhắc lại vừa qua, qua soi chiếu, có những trường hợp lực lượng hải quan thấy có vũ khí, tài liệu trong hành lý mang theo của đối tượng, nhưng khi kiểm tra thì họ lại “ăn vạ”, bù lu bòa loa lớn tiếng tìm cách đánh lạc hướng và trấn áp tinh thần người thực thi công vụ.

Đối diện với những tình huống như thế, người đứng đầu hải quan thành phố thường nhắc nhở cán bộ của mình là phải “hết sức bình tĩnh”, camera phải ghi lại đầy đủ chứng cứ. Vụ việc đó, cơ quan hải quan đã mời đại sứ quán lên làm việc và giải thích cho họ biết là các loại vũ khí, súng ống, đạn dược không được vận chuyển qua đường bay vào Việt Nam vì đó là điều cấm kỵ của nước sở tại.

Cách đây chưa lâu, còn nhớ vụ việc Hải quan TP. Hồ Chí Minh bắt giữ 1 triệu đô la Mỹ giả, Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng nhận định, vụ việc không hề đơn giản. Những người này nhuộm đen hết cả các tờ đô la Mỹ giả, rồi mua vé vip và họ chỉ cần chờ 45 phút máy bay cất cánh là đi ra cùng với khối tiền giả này. Ngay từ đầu, công chức hải quan đã nghi ngờ và vào kiểm tra thì người này vin vào các mối quan hệ nhờ cậy để tìm cách trốn tránh.

Ông Thắng cho hay, nếu cho người ấy đi thì coi như vụ việc đó trót lọt, mà giữ lại thì cũng rất cần sự bản lĩnh bởi nếu bắt giữ không đúng người, đúng tội thì cán bộ hải quan cũng sẽ bị vạ lây có thể phải bồi thường các thiệt hại về hàng hóa, các hợp đồng tiền bạc và chuyến bay cho họ.

Về ma túy, có thời điểm những người buôn bán chất cấm ngụy trang rất tinh vi, mang theo cả em bé bồng trên tay, va li thì toàn là đồ hiệu. Đúng vào giờ vàng khi sắp lên máy bay, giữa vấn đề giữ người lại hay cho họ đi là cả một câu chuyện. Chưa kể là lúc đội ngũ an ninh kiểm tra, kiểm soát những người này thì bên ngoài, những đối tượng buôn lậu ma túy, với “hàng nóng” lận trong người, quần tới quần lui và rất dễ manh động. Với những tình huống này, không ít lần lực lượng hải quan phải đối mặt với hiểm nguy chực chờ.

Hiện nay, lực lượng hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đã trang bị một đội ngũ nhân sự tinh nhuệ, có chó nghiệp vụ tinh thông đánh mùi được các loại ma túy, có máy móc soi chiếu hiện đại và nhận diện được mọi hàng hóa ngụy trang, cộng thêm thông tin tình báo, công tác nghiệp vụ để có thể đánh giá đúng tình hình, nhận diện đúng người, nắm chắc 70 - 80% có dấu hiệu buôn lậu thì mới kiểm tra, khám xét, chứ không đơn giản là muốn bắt giữ ai thì giữ.

Ông Thắng nói, có một số công ty thành lập ra chỉ để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, rửa tiền, qua mặt cơ quan chức năng, như vụ việc Thủ Đức House. Trước đó, nhận thấy những doanh nghiệp này có dấu hiệu họ nhập ram, chip trị giá vài trăm tỷ đồng, họ lợi dụng chính sách của Nhà nước về khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử có thuế suất bằng 0%, tạo dựng hồ sơ mua bán trong nước và xuất khẩu linh kiện điện tử có giá trị chênh lệch rất lớn lên đến vài trăm tỷ đồng.

Bằng con mắt nghiệp vụ, các cán bộ hải quan nhận thấy có gì đó không ổn, không đúng trong việc kinh doanh của họ. Nhưng khi đụng tới những đối tượng này cũng không phải đơn giản. Ông Thắng cho hay, họ có quan hệ mạnh, khi kiểm tra thì có tới 35 doanh nghiệp bỏ trốn. Cục Hải quan thành phố khi đó đã gởi văn bản cho Cục Thuế thành phố để kiến nghị xem xét lại và khoanh vùng hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này để điều tra…

Không một chút lơ là

Ông Nguyễn Đức Giang - Phó Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn của Hải quan TP. Hồ Chí Minh là làm sao đảm bảo được sự thông thông thoáng trong thông quan hàng hóa nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, đảm bảo được ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu. Đây là sự trăn trở lớn của lãnh đạo ngành. Cục Hải quan thành phố cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp: tập trung thu thập, xử lý thông tin, quản lý rủi ro để có biện pháp phù hợp đối với các đối tượng doanh nghiệp cũng như là hàng hóa theo tuyến đường trọng điểm.

Đối diện với những vụ việc này, Cục Trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Đinh Ngọc Thắng trải lòng: “Cùng với hội nhập kinh tế quốc tế, đi kèm những cơ hội, thuận lợi là thách thức, đi theo đó là tội rửa tiền, buôn lậu xuyên quốc tế. Do vậy, vai trò của hải quan trong vấn đề này để làm sao tuyên truyền, thực hiện được các hiệp định thương mại (FTA) có hiệu quả nhất. Ngược lại, chúng ta phải đối phó với những tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Với tinh thần là “người gác cửa” cho kinh tế đất nước, bảo vệ cho chủ quyền, an ninh quốc gia, chúng tôi cũng đã thực hiện tốt vấn đề này”.

Đầu Xuân, lắng nghe trải lòng của những người “gác cửa” nền kinh tế
Một góc trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Tính ngày 15/12/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã cán mốc 700 tỷ đô la Mỹ. Con số này cho thấy có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, trong đó có nỗ lực không nhỏ của lực lượng quan trọng là hải quan - người “gác cửa” cho nền kinh tế đất nước để giữ cho nguồn tiền của nhà nước ít bị thất thoát.

Nói về nỗ lực của lực lượng này, ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia nhưng cũng phải đảm bảo kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động bất hợp pháp của các doanh nghiệp vi phạm. Ông Tưởng cho rằng, đó là nỗ lực của cơ quan hải quan trong việc đảm bảo sự công bằng đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư.

Trong cái nhìn của rất nhiều người, hải quan là một ngành nghề, một công việc đáng mơ ước. Thế nhưng, đằng sau sự hào nhoáng ấy, lực lượng hải quan TP. Hồ Chí Minh nói riêng và hải quan cả nước nói chung cũng luôn phải đối diện với những hiểm nguy chực chờ, những tình huống và kịch bản tinh vi của tội phạm, những kẻ buôn lậu liều lĩnh xuyên quốc tế và những rủi ro khi thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, lực lượng này cũng phải làm việc ngày đêm để xác định dấu hiệu rủi ro; kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ngoài ra, lực lượng này kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu tại các đơn vị trực thuộc; kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Đồng thời, lực lượng này thu hồi và xử lý nợ thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao hàng năm./.

Vụ buôn lậu ma túy đá lớn nhất từ Mỹ và Đức về Việt Nam bị hải quan phát hiện, đã có gần 26 kg ma túy tổng hợp vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh đã bị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh bắt giữ. Riêng 10 tháng của năm 2022, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã bắt giữ gần 2.500 vụ vi phạm với giá trị hàng hóa trên 2.700 tỷ đồng và thu giữ hơn 170 kg ma túy.

Gia Cư - Lệ Loan

© Thời báo Tài chính Việt Nam