Các Kỳ họp bất thường của Quốc hội: Kịp thời xử lý những vấn đề cấp bách, vì lợi ích nhân dân

10:31 | 15/02/2023 Print
(TBTCO) - Thành công của 2 kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri và nhân dân. Đây là đánh giá được nêu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 14/2 về nội dung tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tạo tiền đề thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo

Trình bày báo cáo tổng kết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, mặc dù kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra trong 4 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch 2023 và kỳ họp bất thường lần thứ 3 diễn ra trong nửa ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng.

Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 luật, 3 nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.

Điểm lại một số kết quả chủ yếu của 2 kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là dự án luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân, được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện tại 3 kỳ họp.

Với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đây là nội dung lớn, mới, phức tạp, chưa có tiền lệ và được xây dựng lần đầu theo quy định của Luật Quy hoạch, nên đã được Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng. Sau khi được thông qua, đây là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp lần thứ 20, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp lần thứ 20, Quốc hội khóa XV.

Trong lĩnh vực tài chính, tại kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022, nhằm xử lý những vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định về công tác nhân sự. “Công tác nhân sự tại 2 kỳ họp được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao” - Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định.

Quốc hội và Chính phủ phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đánh giá việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội vẫn còn chậm, gây khó khăn cho đại biểu trong việc nghiên cứu, góp ý. Việc bố trí thời gian thảo luận nội dung về quy hoạch còn ít, nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng chưa được phát biểu. Việc triển khai thử nghiệm giải pháp trực tiếp nhận dạng âm thanh ý kiến phát biểu của đại biểu tại phiên thảo luận tổ còn hạn chế…

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, kỳ họp bất thường lần thứ 2 có thời gian ngắn nhưng đã thông qua được các dự án luật, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan thẩm tra của Quốc hội giải trình ý kiến của các đại biểu trong thời gian ngắn, làm việc cả thứ 7, chủ nhật, thậm chí cả đêm. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Quốc hội với Chính phủ ngày càng tốt. Việc triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 3 rất gấp và sát Tết, nhưng công tác chuẩn bị, đảm bảo hậu cần rất tốt. Công tác nhân sự bám sát quy định của Đảng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, các ủy ban chịu nhiều áp lực về thời gian tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 khi khối lượng công việc rất lớn, rất gấp. Tuy nhiên, các ủy ban đã rất nỗ lực, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành các báo cáo đúng kế hoạch đề ra.

Sẽ có hội nghị triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành sau mỗi kỳ họp

Cho rằng thành công của các kỳ họp chỉ là bước đầu, đưa kết quả kỳ họp vào cuộc sống mới quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Tiến tới, sau mỗi kỳ họp của Quốc hội sẽ có hội nghị triển khai thực hiện các luật, nghị quyết mà Quốc đã ban hành. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2023.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đang ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, kịp thời và hiệu quả. Điều này thể hiện rất rõ qua kết quả của các kỳ họp. Các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, từ công tác chuẩn bị tài liệu, giải trình, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc. Hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành rất quyết liệt và khẩn trương để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5.

Từ tổng kết 2 kỳ họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan hữu quan rút kinh nghiệm về công tác chuẩn bị nội dung, tiến độ công việc, thời hạn gửi hồ sơ, tài liệu, việc đầu tư công sức, quy trình công việc của các cơ quan, đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật. Những kinh nghiệm từ việc chuẩn bị này là rất cần thiết khi triển khai công việc quan trọng sắp tới, nhất là xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh Quốc hội bầu.

Giao hơn 14.710 tỷ đồng vốn cho 129 dự án đã đủ thủ tục đầu tư

Ngày 13/2, trong chương trình phiên họp 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2).

Theo tờ trình tại phiên họp, Chính phủ trình UBTVQH cho ý kiến về nguyên tắc phân bổ, bố trí vốn cho danh mục các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; về 129 dự án với số vốn dự kiến 14.710,315 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn. Đồng thời, điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện 4 dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc để điều chỉnh tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án thành phần.

Qua xem xét các báo cáo và thảo luận, UBTVQH kết luận đề nghị thực hiện phân bổ vốn đúng theo nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 29 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

UBTVQH cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phân bổ số vốn dự kiến cho 129 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo các địa phương bố trí đủ phần vốn địa phương đã cam kết để hoàn thành đúng tiến độ các dự án.

Cùng với đó, UBTVQH thống nhất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 4 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 3 dự án quan trọng quốc gia đã bố trí vốn cho Bộ Giao thông vận tải để bố trí cho các địa phương thực hiện các dự án thành phần.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam