Văn hoá là 'vũ khí' vô cùng lợi hại của dân tộc:

Tầm nhìn tạo ra những bước phát triển vững chắc về sau

12:25 | 22/02/2023 Print
(TBTCO) - Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 là một văn kiện có tính lịch sử, không chỉ ghi lại những vấn đề liên quan đến văn hoá, mà còn là một dấu mốc trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam.
Tầm nhìn tạo ra những bước phát triển vững chắc về sau - Ảnh 1.
Bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.

Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (Đề cương), theo GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo (ĐHQG Hà Nội), chúng ta nên nhìn sự xuất hiện của Đề cương theo một cách dài rộng hơn là một sự kiện, văn bản cụ thể trong một giai đoạn lịch sử.

Cội nguồn sức mạnh Việt Nam chính là văn hóa

Khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam, rất nhiều nhà sử học thế giới đều có nhận xét giống nhau, đó là có nhiều điều họ không lý giải nổi, lịch sử Việt Nam có sự khác biệt đến mức không thể tìm thấy được ở một quốc gia khác trên thế giới.

Một đất nước đã từng bị mất chủ quyền, bị cai trị bởi một đế chế có trình độ văn minh rất cao và chính quyền cai trị ấy đã thực hiện những chính sách đồng hóa ráo riết trong một thời gian rất dài. Vậy mà sau 1.117 năm, dân tộc ấy lại vùng lên giành lại được quyền tự chủ của mình. Với những dân tộc khác thì dài lắm vài thế kỷ thôi là đã triệt tiêu một nền văn hóa.

"Có nhiều lý do như tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường... nhưng phải chăng những dân tộc khác không có những điều đó? Đối với Việt Nam phải thấy được cội nguồn sức mạnh chính là văn hóa" - ông Vũ Minh Giang khẳng định.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phân tích: Khi chính quyền đô hộ áp dụng chính sách cai trị, nếu nghiên cứu kỹ thì chúng ta thấy chính sách đồng hóa ráo riết chủ yếu trên bình diện chính quyền, còn những giá trị văn hóa truyền thống lại được bảo lưu sau lũy tre làng. Nói cách khác là văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát triển độc lập với những chính sách cai trị kia.

Như vậy, văn hóa đã được trui rèn suốt một thời gian rất dài và trở thành lợi khí giúp dân tộc chống lại những chính sách đồng hóa và cuối cùng trở thành sức mạnh để giành lại được độc lập.

Người ta sẽ không thể giải thích được một đế chế hùng mạnh như Mông Nguyên "đụng" đến Đại Việt 3 lần đều thất bại. Điều đó cũng chưa từng xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới. Những nước có truyền thống kiên cường, những quốc gia hùng mạnh cũng đều đã khuất phục trước vó ngựa của quân Mông Cổ.

Vậy thì điều gì đã làm nên chiến thắng này? Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã nói với Hoàng đế Trần Anh Tông: Ta thắng được giặc dữ là bởi vì trên dưới hòa thuận, anh em đồng lòng, cả nước góp sức; cho nên muốn giữ được đất nước thì thượng sách là khoan thư sức dân. Không phải hào sâu, thành cao, không phải quân đông, vũ khí mạnh mà là sức dân. Đó chính là văn hóa của dân tộc.

Sau này, trong thời hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã nhiều lần nhắc nhở các nhà sử học là nên nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam phải từ cái nhìn văn hóa. Theo Đại tướng "văn hóa là tất cả những sáng tạo của một dân tộc vì sự tồn vong và phát triển của dân tộc".

Tầm nhìn tạo ra những bước phát triển vững chắc về sau - Ảnh 2.
GS.TSKH. Vũ Minh Giang.

Văn hóa luôn là vũ khí vô cùng lợi hại khi dân tộc sắp phải đối mặt với thử thách

GS. Vũ Minh Giang một lần nữa khẳng định, khi chúng ta kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam là đang nói tới một văn kiện, sự kiện, mà độ sâu, độ lớn là nói về nền văn hóa, sức mạnh kỳ diệu của dân tộc Việt Nam.

Ông cho rằng, dường như mỗi khi dân tộc ta phải đối mặt hoặc sắp sửa vượt qua những thử thách hiểm nghèo nào đó, vấn đề văn hóa lại được đặt ra và trở thành một khí cụ vô cùng lợi hại của dân tộc.

"Năm 1943, khi bản Đề cương ra đời, nếu nhìn cục diện thế giới lúc đó, đà tấn công như vũ bão của phát xít Đức đã bị chững lại và phe đồng minh đã bắt đầu thắng thế. Do đó, nhãn quan của những nhà chính trị Việt Nam, đứng đầu là Bác Hồ, đã nhận ra rằng thời cơ chúng ta giành được thắng lợi trong cách mạng đã tới. Vì vậy, việc đầu tiên là phải thống nhất toàn dân, không chỉ bằng những khẩu hiệu, những chủ trương chính trị, mà phải bằng văn hóa.

Vì vậy, Đề cương ra đời năm 1943 có mục tiêu đầu tiên là "thống nhất" - điều này rất quan trọng, vì trong một thời gian dài đất nước bị phân ly, chưa thống nhất về nhiều luồng tư tưởng. Khi đã thống nhất về tư tưởng thì sẽ tạo ra sức mạnh của dân tộc có thể nhìn về một phía" - GS.TSKH. Vũ Minh Giang cắt nghĩa.

Chúng ta nhìn vào Đề cương sẽ thấy những nguyên tắc thống nhất, như: Dân tộc, đại chúng, khoa học… Đó là khi cả dân tộc nhìn về lợi ích sống còn, cốt lõi mà ai cũng có thể theo được. Còn đại chúng là số đông, là lực lượng chính của cách mạng. Sau khi thống nhất phải là khối đoàn kết, đoàn kết mới là sức mạnh.

Còn khái niệm về "khoa học", thực chất là chúng ta tạo nền tảng, bệ đỡ tư tưởng là chủ nghĩa Marx-Lenin, là chủ nghĩa tư tưởng kết hợp với lý luận giai cấp.

Văn hóa như một tảng nền cho sự phát triển bền vững

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, còn một ý nghĩa rất lớn của Đề cương này khi một Đảng Cộng sản, trước hết là một tổ chức chính trị và những nhiệm vụ mà tổ chức chính trị này theo đuổi là đánh đuổi đế quốc, giành lại được độc lập, lần đầu tiên trong lịch sử đã nhìn thấu vai trò của văn Văn hóa. Đó chính là thể hiện tầm cỡ của những người làm chính trị - một khi nhìn thấy văn hóa như một nền tảng cho sự phát triển bền vững, tầm nhìn ấy sẽ tạo ra những bước phát triển vững chắc về sau.

Vào năm 1946, thời khắc dân tộc phải "gồng mình" để vượt qua khó khăn và ngay trước khi chúng ta bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc 9 năm trường kỳ, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức đã thể hiện rằng, một lần nữa dân tộc này dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại coi văn hóa như một sức mạnh nội lực để đưa dân tộc vượt qua thử thách.

Cũng năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho thầy và trò cả nước trong ngày khai giảng độc lập đầu tiên: "Rồi đây chúng ta phải bước tới đài vinh quang, Việt Nam sẽ phải sánh vai với các cường quốc năm châu". Đó chính là khát vọng hùng cường.

Chính vì thế, đến ngày nay, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa ra lời hiệu triệu phải khơi dậy khát vọng của toàn dân để xây dựng một quốc gia hùng cường, đi tới phồn vinh.

Cuối năm 2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã nhấn mạnh văn hóa là hồn cốt, là nền tảng của phát triển bền vững.

"Kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam, tôi nghĩ rằng nên nhìn nhận và khẳng định văn hóa chính là cội nguồn sức mạnh kỳ diệu của dân tộc. Và mỗi khi nội lực văn hóa được vận dụng, khai thác đến triệt để chính là lúc Việt Nam đang đứng trước một cơ hội hoặc một thử thách lớn lao" - GS.TSKH. Vũ Minh Giang khẳng định. "Có hiểu được như vậy mới thấy hết được tầm vóc lịch sử, giá trị của bản Đề cương".

Chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam