Cần sớm có giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực từ "Thuế tối thiểu toàn cầu"

11:05 | 23/02/2023 Print
(TBTCO) - Dự kiến từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra rằng, khi tham gia Quy tắc “Thuế tối thiểu toàn cầu” sẽ mang lại cơ hội và thách thức gì đối với Việt Nam? Làm gì và làm như thế nào để khi thực thi Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ chân các nhà đầu tư lớn và đảm bảo được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư để tiếp tục thu hút được các dự án trọng điểm, công nghệ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước? Việt Nam cần có những hành động gì để đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi nhà đầu tư và của Nhà nước?

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 ban hành ngày 20/8/2019 đã khẳng định: “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác”.

Cần sớm có giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực từ
Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cơ hội và thách thức gì đối với Việt Nam? Ảnh minh họa: TN

Việc tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), song đồng thời đặt Việt Nam trước những thách thức mới về thu hút các dự án FDI trọng điểm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao thuộc lĩnh vực ưu tiên, theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, khi công cụ ưu đãi thuế không còn được áp dụng.

Trong bối cảnh đó, nhiều câu hỏi đang được các nhà đầu tư quan tâm đặt ra gồm: Đâu là nội dung cơ bản và lộ trình áp dụng Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu? Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cơ hội và thách thức gì đối với Việt Nam?

Chia sẻ tổng quan về nội dung và mục đích thoả thuận “Thuế tối thiểu toàn cầu” hướng tới, tại sao Việt Nam lại tham gia thoả thuận này, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho hay thoả thuận “Thuế tối thiểu toàn cầu” nằm trong khung khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Việt Nam tham gia BEPS từ năm 2017, đến nay BEPS đã có hơn 140 quốc gia tham gia.

BEPS là hiệp định đa phương nhằm giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng quản lý thuế quốc tế, giúp ngăn chặn tình trạng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến những vùng lãnh thổ có thuế suất thấp, miễn thuế trong khi thực tế những nơi này có ít hoặc không có các hoạt động kinh tế thực chất. Việc triển khai thực hiện nhanh chóng chương trình hành động BEPS của các nước sẽ đảm bảo môi trường quốc tế bền vững hơn vì lợi ích của tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, BEPS gồm 15 chương trình hành động lớn nhưng Việt Nam chỉ tham gia ở một số cam kết tối thiểu, phù hợp với các nước đang phát triển như: minh bạch hoá xử lý tranh chấp thuế; trao đổi, chia sẻ thông tin và trong thời gian tới có thể mở rộng đối với thuế giá trị gia tăng, thuế doanh thu, chứ không chỉ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Quy tắc này cho phép các quốc gia được điều chỉnh thuế tối thiểu ở mức 15%. Các doanh nghiệp phải kê khai hoạt động đầu tư quốc tế, nếu mức thuế áp dụng tại các quốc gia mà họ đến đầu tư thấp hơn 15% thì nộp số thuế thiếu về nước đầu tư nơi đóng trụ sở chính, chủ yếu là các nước phát triển xuất khẩu vốn. Điều này giúp vô hiệu hoá chính sách ưu đãi của các “thiên đường thuế”.

Việt Nam cần chuẩn bị về mọi mặt ngay từ bây giờ

Thông tin về những vấn đề Thỏa thuận “Thuế tối thiểu toàn cầu” sẽ tác động thế nào tới Việt Nam, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, quy tắc này được lường trước sẽ ảnh hưởng lớn tới cả các nước đang phát triển, thu hút đầu tư như Việt Nam. Tuy nhiên, việc chủ động tham gia BEPS cũng cho phép chúng ta thu thuế tối thiểu của các doanh nghiệp lớn đầu tư ra nước ngoài; mặt khác, ngay cả khi Việt Nam không tham gia thoả thuận thì các nước phát triển, có các tập đoàn đa quốc gia lớn đang đầu tư tại Việt Nam vẫn có quyền đánh thuế tại đó để đảm bảo tuân thủ Quy tắc thuế tối thiểu 15%. Vì vậy, việc Việt Nam có tham gia BEPS hay không thì vẫn chịu tác động từ hiệp định này.

Cần sớm có giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực từ
Cán bộ thuế hướng dẫn người nộp thuế thực hiện nộp thuế điện tử qua app eTax Mobile. Ảnh: TN

Vấn đề đặt ra ở thời điểm hiện tại là Việt Nam cần có những hành động gì để đảm bảo quyền lợi lâu dài, bền vững của nhà đầu tư và của Nhà nước. Từ góc độ cơ quan xây dựng và thực thi chính sách, ngành Thuế đang rất cần những tiếng nói góp ý từ phía các hiệp hội, các nhà đầu tư - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ BEPS.

Theo TS. Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, bắt đầu từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn. Trong bối cảnh chuẩn bị áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, các quốc gia cần khẩn trương, quyết liệt đưa ra giải pháp ứng phó, nhằm tránh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách này, trong đó có Việt Nam.

Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, ông Thomas McClelland - Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần tiến hành việc chuẩn bị về mọi mặt ngay từ bây giờ, trong bối cảnh nhiều quốc gia sẽ áp dụng chính sách về Thuế tối thiểu toàn cầu. Các chính sách ứng phó với tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) nên được xây dựng trong ngắn hạn, cũng như dài hạn.

Trong ngắn hạn, việc có áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu thuế nên được cân nhắc sớm, đối chiếu với quy định của OECD cũng như vấn đề về lợi ích và chi phí nếu thực hiện. Trong dài hạn, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cũng cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Trụ cột 2, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

“Chúng tôi cũng lưu ý rằng, việc ban hành bất cứ chính sách hoặc cơ chế mới nào cũng cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột 2, đảm bảo thống nhất với quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia. Chúng tôi hiểu rằng, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cũng sẽ sớm có những đánh giá tác động để chuẩn bị cho các thay đổi chính sách phù hợp tới đây” - ông Thomas McClelland nhấn mạnh.

“Trụ cột thứ 2 của BEPS là Quy tắc “Thuế tối thiểu toàn cầu” đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên và ước tính tạo ra khoảng trên 150 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu hằng năm. Quy định này là một hệ thống phối hợp về thuế nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia lớn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi khu vực pháp lý mà họ hoạt động, chống tình trạng chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, chống cạnh tranh đầu tư quốc tế bằng biện pháp đua nhau hạ thuế suất cho đến 0% để thu hút đầu tư” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam