Quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng

18:41 | 29/01/2021 Print
Hơn 14.000 phản ánh của người tiêu dùng đến Bộ Công thương trong năm 2020 đã phần nào cho thấy, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Đáng chú ý, vi phạm diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, nhất là lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm.

nguoi tieu dung

Việc bảo vệ người tiêu dùng cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: T.U

Tiếp nhận hơn 14.000 phản ánh, yêu cầu từ người tiêu dùng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đánh giá, trong thời gian qua, việc xây dựng và hoàn thiện, thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đẩy mạnh theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2020 Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hơn 14.000 phản ánh, khiếu nại, yêu cầu tư vấn từ người tiêu dùng thông qua các phương thức: email, công văn, website và hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838...

Có thể thấy, khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng gia tăng mạnh trong thời gian qua, trong đó chủ yếu là thông qua Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838. Nếu như năm 2011, Tổng đài này chỉ nhận được 26 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại thì năm 2019 có 9.295 cuộc gọi, nhưng đến năm 2020 tăng lên tới 11.211 cuộc gọi đến của người tiêu dùng.

Thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho thấy đã tiến hành giải quyết hầu hết các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng, cơ bản giải quyết thông qua phương thức thương lượng, hòa giải. Cụ thể, số cuộc gọi được tổng đài viên trả lời, tư vấn là 9.965 cuộc. Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của người tiêu dùng đạt 89%. Số còn lại chưa được hỗ trợ, tư vấn nguyên nhân là do số lượng tổng đài viên còn hạn chế.

Đáng chú ý, đánh giá của cơ quan quản lý này cho thấy, các khiếu nại, kiến nghị của người tiêu dùng trải rộng trong nhiều lĩnh vực. Trong đó chủ yếu là lĩnh vực như chung cư, bất động sản, bảo hiểm, tiêu dùng…Đặc biệt, riêng lĩnh vực nhà chung cư, do tính chất các vụ việc khiếu nại tương đối phức tạp, một số vụ việc được chuyển đến các sở công thương địa phương để xử lý theo phân cấp nên thời gian xử lý các vụ việc thường kéo dài.

Cũng trong năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành quyết định xử phạt đối với 10 doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, với số tiền phạt gần 600 triệu đồng. Đồng thời, tiếp nhận và thực hiện giám sát 36 vụ việc thu hồi sản phẩm khuyết tật, trong đó, chủ yếu liên quan đến nhóm sản phẩm xe ô tô.

Năm 2021, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng

Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau gần một thập kỷ thực thi đã tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi chưa cao do trong bối cảnh mới, những quy định trong luật không còn phù hợp. Điển hình như các quy định về mô hình thương mại điện tử...

Hơn nữa, hiện có rất nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện song chưa có chế tài xử lý. Trong khi đó, hiện nay xu hướng tiêu dùng đã thay đổi, nghiên cứu của SSI Research cho thấy, người tiêu dùng có sự chuyển dịch mạnh mẽ phương thức mua hàng từ offline sang online.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, giai đoạn 2017-2019, số lượng cuộc gọi đến tổng đài 18006838 tăng 10%/năm. Bình quân có trên 1.000 vụ việc khiếu nại được giải quyết trong một năm, song đơn vị này cũng thừa nhận, số lượng cuộc gọi còn rất khiêm tốn so với thực tế giao dịch.

Do đó, để hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, trong năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm với phạm vi rộng, với các hành vi tinh vi thì việc bảo vệ người tiêu dùng cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn xã hội. Đồng thời cần có chế tài xử lý sai phạm với tính răn đe đủ mạnh đối với vi phạm./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam