Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu:

Cơ hội đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tăng thu ngân sách

15:47 | 01/03/2023 Print
(TBTCO) - Theo TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội để đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời là cơ hội tăng thu ngân sách và hạn chế tình trạng các nước cạnh tranh thu hút đầu tư theo kiểu “đưa nhau xuống đáy”.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được nhiều nước áp dụng vào năm tới đây?

Cơ hội đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tăng thu ngân sách
TS. Phan Đức Hiếu

TS. Phan Đức Hiếu: Thuế suất tối thiểu toàn cầu nằm trong Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS), có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trong ít nhất hai năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần "thiếu hụt" còn lại so với mức thuế 15% cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính.

Dự kiến từ đầu năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu. Chính sách thuế này dự kiến sẽ có tác động đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, mức độ tác động của chính sách này đến các quốc gia khác nhau là khác nhau. Tại một quốc gia, các nhà đầu tư khác nhau chịu tác động khác nhau tùy vào mức độ ưu đãi thuế và quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu.

PV: Đối với Việt Nam, chính sách này tác động thế nào đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thưa ông?

TS. Phan Đức Hiếu: Hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam cho đầu tư gồm phổ biến là miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng theo thời gian: miễn 4 năm, giảm 9 năm; miễn 2 năm, giảm 4 năm. Một số tính toán cho thấy trong khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp FDI trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài phần trăm. Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm hiệu lực trong nhiều trường hợp.

Cơ hội đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tăng thu ngân sách

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tránh việc số thuế ưu đãi trong nước bị mang sang nộp ở nước khác.

Chính sách thuế này khi được áp dụng sẽ tác động trước hết đến doanh nghiệp FDI đầu tư lớn; tác động đến thu hút các dự án đầu tư mới. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là nó cũng tác động cả đến dự án FDI đang trong thời kỳ hưởng chính sách ưu đãi, cũng như ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhà đầu tư đang hoạt động. Mặc dù chịu ảnh hưởng chủ yếu là những nhà đầu tư lớn, nhưng ở chừng mực nào đó, rất có thể có những nhà đầu tư nhỏ nhưng nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh, là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia bị chịu thuế suất thuế tối thiểu, sẽ bị liên đới.

Tất nhiên, ngoài tác động tiêu cực, thì chính sách thuế này cũng giúp chúng ta cơ hội tăng thu ngân sách và hạn chế trốn tránh thuế, hạn chế tình trạng các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư theo cách “đưa nhau xuống đáy”.

Thách thức lớn nhất là áp lực thời gian

“Thách thức lớn nhất lúc này là áp lực thời gian. Thực tiễn cho thấy để tận dụng cơ hội hay hóa giải thách thức có thể cần chính sách mới, sửa đổi luật, như vậy cần thời gian để làm việc này. Chúng ta chỉ còn khoảng 10 tháng trước khi mức thuế được các nước áp dụng, phải tranh thủ thời gian, tận dụng cơ hội, giữ quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách nhà nước vừa đảm bảo chủ trương thu hút đầu tư. Trong việc này, Chính phủ không thể làm một mình mà phải có sự đối thoại, hợp tác, tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là cả hợp tác quốc tế giữa các quốc gia. Quan trọng nhất bây giờ là hành động ngay, nhanh chóng, quyết liệt” - TS. Phan Đức Hiếu.

PV: Theo ông, nên làm gì để ứng phó với tác động của chính sách thuế này?

TS. Phan Đức Hiếu: Trước hết, về cơ hội, các quốc gia được khuyên rằng nên áp dụng chính sách thuế này để tăng thu ngân sách và tránh việc ưu đãi của mình bị mang sang nộp ở quốc gia khác.

Còn về giải pháp thu hút đầu tư thay thế thì tôi cho rằng cả về trước mắt và lâu dài, quan trọng nhất là phải thu hút đầu tư bằng môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm gánh nặng chi phí về thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch hơn, ít rủi ro hơn… Như vậy, Chính phủ trước hết cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là biện pháp thu hút đầu tư quan trọng nhất, hiệu quả nhất để ứng phó với thách thức từ chính sách thuế này.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, những biện pháp ưu đãi vẫn có thể được áp dụng đối với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư vừa, nhỏ. Trường hợp cần thiết tìm kiếm chính sách ưu đãi thuế thì cân nhắc các chính sách ưu đãi về khấu trừ chi phí, như vậy có thể đạt được mục tiêu kép là vừa hạn chế được tác động của chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu, vừa giúp thu hút đầu tư có chọn lọc.

PV: Thời gian từ nay đến lúc chính sách được áp dụng không còn nhiều, vậy lúc này những việc cần làm trước mắt là gì, thưa ông?

TS. Phan Đức Hiếu: Lúc này, Việt Nam cần nhanh chóng đánh giá xác định mức độ bị tác động. Cụ thể là nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi và từ đó cần xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, tác động tích cực - tiêu cực, cơ hội, thách thức. Chỉ khi chúng ta xác định đầy đủ bức tranh tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thời điểm quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài

Theo bà Hương Vũ - Đồng trưởng nhóm – Nhóm công tác thuế và hải quan Diễn đàn Doanh nghiệp Việt nam, đây là thời điểm đặc biệt quan trọng mang tính bản lề và có ảnh hưởng lớn đối với công tác thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có nhiều biến động và có nguy cơ khủng hoảng tài chính tại nhiều nước, các tập đoàn lớn cũng như các công ty đa quốc gia đều đang phải cơ cấu lại quy mô sản xuất, chuỗi cung ứng, thu hẹp nhân sự hoặc chuyển địa điểm sang những nơi có thủ tục, chi phí năng lượng và thuế thấp hơn. Quan sát các động thái gần đây của nhiều tập đoàn, có thể thấy rất rõ dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào ASEAN. Tại thời điểm mang tính bản lề về việc điều chỉnh cơ cấu và địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư lớn đang rất chú ý đến động thái và phản ứng của chính phủ các nước tiếp nhận đầu tư về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. Chính vì vậy, Việt Nam rất cần nỗ lực trong việc nghiên cứu và xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư để giành được lợi thế so với các quốc gia khác.

Luật sư Nguyễn Thành Vinh - Công ty Luật hợp danh Baker & McKenzie Việt Nam cho rằng, để tiếp tục thu hút đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ cần tạo sự linh hoạt trong việc khuyến khích đầu tư nhằm cân bằng lợi ích quốc gia và lợi ích nhà đầu tư thông qua các hình thức mới phù hợp với các chuẩn mực mà OECD đặt ra.

Thực tế, Luật Đầu tư hiện đã quy định một số hình thức hỗ trợ đầu tư như: Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ…

Chính phủ cần cân nhắc xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư mới nhằm giữ chân nhà đầu tư hiện tại và thu hút các dòng vốn đầu tư.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam