Kinh tế đầu năm tiếp tục đối mặt nhiều thách thức

10:33 | 03/03/2023 Print
(TBTCO) - Số liệu kinh tế tháng 2 vừa được công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức về lạm phát, niềm tin thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu… Song theo các chuyên gia, nền kinh tế vẫn có triển vọng phục hồi tích cực vào nửa cuối năm.

51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 2 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước, do số ngày làm việc nhiều hơn và người lao động đã quay trở lại làm việc trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính chung hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 6,3% (tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước).

Hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16%. Cán cân thương mại hàng hóa hai tháng đầu năm ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 19,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 164,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 119,6 nghìn lao động, giảm 3% về số doanh nghiệp, giảm 40,7% về vốn đăng ký và giảm 20,1% về số lao động.

Bên cạnh đó, cả nước có 18,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 18,6%, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2023 lên 37,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,2%. Bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ở chiều ngược lại, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 38,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,5%; 9,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,8%; 3,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,6%. Bình quân một tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Ở lĩnh vực đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/2/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD, giảm 38%. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm ước đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9%.

Ngành du lịch, lĩnh vực được kỳ vọng là động lực lớn cho phục hồi kinh tế trong năm nay vẫn chưa đạt được mức trước dịch Covid-19. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2 đạt 933 nghìn lượt người, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, áp lực lạm phát tiếp tục đáng quan tâm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 0,97% so với tháng 12/2022 và tăng 4,31% cùng kỳ. Bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6%; lạm phát cơ bản tăng 5,08%.

Một điểm sáng trong tình hình tháng 2 là nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái bình thường theo quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2023 giảm 6% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13%.

Triển vọng phục hồi tích cực trong nửa cuối năm

Những tín hiệu này tiếp tục minh chứng cho những khó khăn, thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt trong năm 2023. Theo TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bên cạnh những khó khăn từ tình hình bất định của kinh tế, địa chính trị thế giới mà nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, các động lực tăng trưởng trong nước cũng đang gặp nhiều thách thức.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong hai tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước như: ô tô giảm 18,3%; thép cán giảm 15,1%; quần áo mặc thường giảm 14,8%; thép thanh, thép góc giảm 13,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 13,3%; xe máy giảm 12,4%; điện thoại di động giảm 9,6%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước như bia tăng 33,5%; xăng dầu tăng 21,6%;…

Trong đó, rõ nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp. Từ quý 4, khu vực này đã có dấu hiệu chậm lại khi tốc độ tăng trưởng giảm, các chỉ số như PMI, đơn đặt hàng mới đều suy giảm. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể 2 tháng đầu năm vượt xa số doanh nghiệp thành lập mới. Dự kiến thời gian tới, khó khăn có thể còn tiếp tục khi nhu cầu thị trường thế giới đang thu hẹp, tín dụng vẫn đang thắt chặt…

Tuy vậy, tại một cuộc tọa đàm đầu tháng 3, nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 đối mặt với một số rủi ro vĩ mô như lạm phát, khôi phục lòng tin, song triển vọng phục hồi sẽ tích cực vào nửa cuối năm. Tiếp nối đà phục hồi tăng trưởng năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng GDP đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024. Dự kiến lạm phát năm 2023 tăng khoảng 6%, cán cân thương mại có thể được cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức toàn cầu.

Lý giải về quan điểm tích cực này, ông Tim Leelahaphan cho rằng, năm 2022, thế giới đối mặt trước nhiều bất ổn, ví dụ như xung đột Nga - Ukraine, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên năm nay sẽ cần thận trọng hơn. “Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tập trung chủ yếu vào việc duy trì sự ổn định. Nhưng năm nay là thời điểm Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển sang trạng thái thúc đẩy phát triển kinh tế. Đã có những thông điệp về việc ngân hàng giảm lãi suất, giải ngân cho lĩnh vực hạ tầng, cùng với đó là Trung Quốc mở cửa trở lại. Do vậy, chúng tôi đưa ra những dự báo dè dặt trong nửa đầu, nhưng bùng nổ hơn trong nửa sau của năm 2023” - chuyên gia của Standard Chartered cho hay.

Ngành sản xuất đang có tín hiệu cải thiện

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 2/2023 vừa được S&P Global công bố cho thấy, chỉ số PMI tăng từ 47,4 điểm trong tháng 1 lên 51,2 điểm trong tháng 2, báo hiệu sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng.

Theo kết quả khảo sát được công bố tại báo cáo, có 3 điểm nhấn nổi bật là: sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng trở lại; thời gian

giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn tháng thứ hai liên tiếp; chi phí tăng đạt mức cao của tám tháng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng nhanh hơn, và đây là lần tăng thứ hai liên tiếp nhờ nhu cầu trên thị trường quốc tế cải thiện.

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường cải thiện và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, mức độ lạc quan về triển vọng sản lượng trong một năm tới tiếp tục tăng. Tâm lý kinh doanh đã được cải thiện tháng thứ ba liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2022. Niềm tin kinh doanh đạt mức cao hơn trung bình của lịch sử chỉ số.

Bình luận về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, nhu cầu cải thiện ở cả trong nước và nước ngoài đã thổi luồng sinh khí mới vào ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 2, từ đó kết thúc thời kỳ suy giảm nhẹ kéo dài ba tháng trong giai đoạn chuyển giao giữa hai năm. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại khi niềm tin kinh doanh tăng lên với triển vọng nhu cầu cải thiện.

Tuy nhiên, mối lo ngại kéo dài vẫn là lạm phát khi cả chi phí đầu vào và giá bán hàng trong tháng 2 đều tăng với tốc độ nhanh nhất trong tám tháng. Các công ty hy vọng áp lực giá cả sẽ giảm trong thời gian tới để bảo đảm duy trì được tình trạng cải thiện nhu cầu.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam